robot U-CAT. Ảnh: Tallinn University of Technology |
Theo Sciencedaily, robot U-CAT được nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm robot Sinh học, Đại học Công nghệ Tallinn, nước Cộng hòa Estonia, thiết kế nhằm hỗ trợ nghiên cứu các con tàu đắm dưới lòng biển sâu cũng như các công trình khảo cổ dưới nước khác.
Nguyên tắc vận động của U-CAT tương tự như của rùa biển. Với khả năng điều khiển bốn chân chèo một cách độc lập, robot có thể di chuyển cơ động và linh hoạt. Nó có thể bơi tiến lên phía trước hoặc lùi về phía sau, bơi lên trên hoặc lặn xuống dưới và di chuyển tại chỗ theo các hướng khác nhau.
Khả năng cơ động là một tính năng mà các nhà nghiên cứu mong muốn áp dụng vào các thiết bị kiểm tra, khi đưa vào các khu vực có không gian hẹp và hạn chế ở bên trong các con tàu đắm
Ngoài ra, robot còn được trang bị một camera, giúp các nhà khảo cổ ghi lại cũng như tái tạo các hình ảnh bên trong khu vực cần quan sát ở dưới nước.
Video mô phỏng hoạt động của U-CAT dưới nước
Theo Taavi Salumae, người lên ý tưởng thiết kế U-CAT, các thiết bị quan sát dưới nước hay robot khác có cơ chế hoạt động bằng hệ thống cánh quạt, thường tạo ra các xoáy nước mạnh và cuốn theo các lớp bùn bên dưới. Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng hiển thị hình ảnh bên trong của các con tàu đắm cần quan sát. Trong khi đó, bộ phận đẩy thăng bằng của U-CAT có thể giúp robot di chuyển theo các hướng mà không tạo ra các ảnh hưởng tương tự.
Giáo sư Maarja Kruusmaa, người đứng đầu Trung tâm Robot Sinh học, cho biết U-CAT là loại robot phỏng sinh học, được thiết kế dựa trên nguồn cảm hứng từ động vật và thực vật. Đây là xu hướng nghiên cứu và thiết kế robot hiện nay nhằm ứng phó với một số hạn chế của công nghệ, thay thế bằng các giải pháp từ thiên nhiên.
Các loại robot dưới nước hiện nay chủ yếu được sử dụng trong khai thác dầu khí và quốc phòng. Những robot này có kích thước lớn và có giá thành cao, nên rất khó có thể được sử dụng để nghiên cứu bên trong xác tàu đắm.
Việc nghiên cứu các con tàu đắm dưới nước cho đến nay vẫn do con người thực hiện. U-CAT có thể là một giải pháp thay thế con người trong công việc nguy hiểm, tốn nhiều công sức và thời gian này.
U-CAT được thiết kế theo dự án nghiên cứu ARROWS do Liên minh châu Âu EU tài trợ, nhằm phát triển các công nghệ tiên tiến hỗ trợ cho các hoạt động khảo cổ dưới nước. Các dự án sẽ được thử nghiệm ở Địa Trung Hải và biển Baltic, hai khu vực lịch sử quan trọng và có điều kiện môi trường khác biệt của châu Âu.
Thùy Linh (Video: Youtube)