Hình vẽ minh họa loài khủng long leptoceratopsid. Ảnh: Longrich. |
Vào cuối kỷ phấn trắng cách đây 66 - 100 triệu năm, phía đông Bắc Mỹ là một hòn đảo, bị chia đôi bởi vùng biển nội hải . Rào cản tự nhiên này có thể khiến các loài vật sống cách biệt phát triển riêng rẽ. Trong khi phần đảo phía tây cung cấp nhiều hóa thạch khủng long phong phú, phần phía đông vẫn còn là một bí ẩn lớn.
Nhiều hóa thạch hình thành tại bờ đông bị phá hủy trong kỷ băng hà và cây cối rậm rạp cản trở giới nghiên cứu tìm ra những hóa thạch còn lại. Vùng đảo phía đông mang tên Appalachia theo dãy núi cổ đại nơi những con khủng long đầu tiên tiến hóa, được mệnh danh là "lục địa mất tích" do các nhà khoa học biết rất ít về đời sống hoang dã ở đây.
Theo IFL Science, tình trạng hiếm xương khủng long ở Appalachia khiến tiến sĩ Nick Longrich tại Đại học Bath, Mỹ, coi mẩu xương hàm tìm thấy ở bang North Carolina như một mẫu vật đáng để nghiên cứu chi tiết. Ông nhận thấy mẩu xương đến từ leptoceratopsid, một họ hàng của khủng long ba sừng Triceratops.
Ăn cỏ và có kích thước tương đương một con chó lớn, khủng long leptoceratopsid giống như một loài thú nuôi. Hình dáng xương hàm chỉ ra loài khủng long này có mỏ. Tuy nhiên, xương hàm của nó mảnh hơn các loài tương tự ở vùng đảo phía tây biển nội hải.
"Nhiều động vật và thực vật tìm thấy ở Australia ngày nay khá khác biệt với các nơi khác trên thế giới. Tương tự, động vật ở vùng phía đông Bắc Mỹ cuối kỷ Phấn trắng dường như tiến hóa theo hướng khác hẳn những loài phía tây do sống cách biệt trong thời gian dài", Longrich cho biết.
Theo Longrich, phát hiện củng cố thêm giả thuyết hai vùng đất bị chia tách bởi khu vực biển trải dài, ngăn các loài di chuyển qua lại và buộc động vật ở Appalachia tiến hóa theo cách hoàn toàn khác biệt, kết quả là một số con khủng long có hình dáng kỳ lạ.
Phương Hoa