Mô phỏng khủng long Anchiornis (phía sau) và chim tinamou với phần xương trước hàm và vòm miệng. Ảnh: John Conway |
Nhóm chuyên gia gồm hai nhà sinh vật học của của Đại học Yale và Đại học Harvard là Bhart-Anjan S. Bhullar và Arhat Abzhanov. Họ thực hiện thí nghiệm bằng cách chuyển đổi phôi gà thành mẫu có bộ phận mõm và vòm miệng tương tự hai loài khủng long nhỏ như Velociraptor và Archaeopteryx, công bố nghiên cứu trên tạp chí Evolution hôm 12/5.
Trong nghiên cứu, họ tập trung các mẫu ADN của một số loài động vật như đà điểu sa mạc, cá sấu, bò sát và rùa. Các chuyên gia phát hiện hai protein là FGF và Wnt biểu hiện khác nhau ở chim và bò sát. Bằng cách sử dụng chất ức chế phân tử nhỏ để loại bỏ hoạt động protein trong phôi gà, họ có thể tạo ra bộ phận tương tự mõm của khủng long. Theo NBC News, phương pháp tương tự cũng được sử dụng để kiểm tra các bước tiến hóa khác.
Bhullar cho biết mục tiêu của nhóm là nhằm hiểu được các cấu trúc nền tảng của quá trình chuyển tiếp quan trọng trong tiến hóa. Họ quyết định biến đổi phần mỏ gà vì đây là một trong những bộ phận giải phẫu của gia cầm không thay đổi quá nhiều trong quá trình tiến hóa.
"Mỏ là bộ phận quan trọng trong bộ máy cung cấp dinh dưỡng của gia cầm, thành phần của hệ xương dường như đa dạng hóa rộng rãi nhất và triệt để nhất, so với hồng hạc, vẹt, diều hâu, chim bồ nông, chim ruồi và một số loài khác", RT dẫn lời Bhullar nói.
Anh Hoàng