Tony Wyss-Coray trông trẻ hơn tuổi 50. Ảnh: Guardian |
Một sáng tháng 8/2008, Tony Wyss-Coray ngồi trong phòng họp tại bệnh viện Cựu chiến binh ở Palo Alto, California, chuẩn bị buổi họp hàng tuần. Ông là giáo sư thần kinh học ở Đại học Stanford, đang hướng dẫn một nhóm nghiên cứu viên trẻ về lão hóa và thoái hóa thần kinh. Một thành viên sắp trình bày về kết quả thí nghiệm mới.
Saul Villeda, một nghiên cứu sinh có vẻ ngoài nổi bật nhờ mái tóc đen bóng mượt và bộ râu quai nón, đã dành nhiều năm nghiên cứu vấn đề Chăm sóc lý thuyết y khoa tuổi trung niên. Anh đang tìm hiểu có thể làm những người già yếu trẻ và khỏe mạnh lại, bằng cách truyền huyết thanh từ người trẻ không.
Villeda thí nghiệm cặp chuột được phẫu thuật dính liền thân. Chúng chia sẻ nguồn cung máu trong vài tuần. Con chuột trẻ nhận máu từ con già, và ngược lại. Villeada muốn quan sát ảnh hưởng lên não chúng.
Não chuột chỉ bé bằng hạt lạc. Villeda phải xẻ nhỏ chúng thành những lát mỏng dày 1/25 mm bằng cách sử dụng dao cắt vi phẫu. Villeda gom nhiều lát não của 40 con chuột, nhuộm và làm hiện ra các tế bào thần kinh tân sinh. Dưới kính hiển vi, tế bào não tân sinh trông như những cái cây màu nâu nhỏ xíu.
Trước cuộc họp một ngày, Villeda và đồng nghiệp Kurt Lucin đến sớm. Anh lấy cây cọ vẽ nhỏ quét màu từng lát não, đặt dưới kính hiển vi, và đếm số lượng những cái cây màu nâu bé xíu. Có tất cả 200 lát não, của cả chuột già lẫn chuột trẻ. Villeda lưu dữ liệu tế bào đếm được vào chương trình thống kê. Chương trình này lưu giữ và tính toán lượng tế bào não trung mình mới sinh của từng cặp chuột. Mọi việc xong xuôi lúc 22h.
Đêm đó, Villeda chỉ ngủ ba tiếng. Sáng hôm sau, anh đứng giữa phòng họp, tiết lộ cho đồng nghiệp về ảnh hưởng của tế bào máu trẻ lên não bị thoái hóa.
"Cả phòng như bị điện giật," Tony- thầy hướng dẫn của anh hồi tưởng. "Tôi thốt lên 'Ồ', khi lần đầu tiên nhìn thấy ảnh lũ chuột." Những con chuột già nhận máu từ con trẻ có lượng tế bào não trong vùng hippocampus (vùng chịu trách nhiệm học tập và ghi nhớ) tăng đột biến. Lượng nơron tân sinh tăng lên gấp 3-4 lần, gần bằng số lượng của con chuột trẻ. Tuy nhiên, máu của con già tác động tiêu cực đến con trẻ, trì hoãn tế bào thần kinh mới sản sinh, khiến những con trẻ nhìn già trước tuổi.
Mọi người trong phòng choáng váng. Một số tỏ ra nghi ngờ. Liệu điều này có thật không? "Đây có thể là bước đột phá," Tony nói. "Một con chuột già bắt đầu sản sinh nhiều nơron hơn khi được truyền máu trẻ? Thật là kỳ diệu!"
7 năm sau, những nghiên cứu về vấn đề trên đã chuyển biến đáng kể. Một vài giả thiết được đưa ra, rằng máu của người trẻ chứa một loại thuốc giải chống lại sự tàn phá của tuổi già. Tuy nhiên, đặc tính trẻ hóa của máu người trẻ cần phải được nghiên cứu dưới góc độ y học cho người. Những nghiên cứu trên mới dừng lại ở chuột, chưa ai chứng minh được tính hiệu quả của nó trên người.
Tháng 10/2014, Tony bắt đầu thử nghiệm trên người. Trong đại học y stanford , huyết tương trong máu của người trẻ được truyền vào người cao tuổi mắc bệnh Alzheimer (một dạng suy thoái trí nhớ). Giới khoa học đang trông đợi kết quả thử nghiệm công bố cuối năm nay.
Tại những quốc gia phát triển, tiến bộ y học và chăm sóc y tế giúp nâng cao tuổi thọ trong vài thập kỷ qua. 5 năm trước, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, người trên 60 tuổi nhiều hơn trẻ em 5 tuổi trở xuống. Dự đoán năm 2050, số người trên 60 là hai tỷ, gấp đôi con số hiện nay.
Tuy nhiên, con người sống thọ hơn không có nghĩa là sống tốt hơn. Họ phải vật lộn với những căn bệnh mạn tính như ung thư, bệnh về đường hô hấp, đau tim, tiểu đường, viêm khớp, loãng xương, mất trí nhớ.
Bệnh tật nảy sinh do những nguyên nhân khác nhau: ung thư do đột biến ADN, đau tim do tắc mạch máu, mất trí nhớ do thoái hóa tế bào não. Do đó, mỗi loại bệnh cần một phương pháp chữa trị riêng. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm khác: nguyên nhân chính gây ra những căn bệnh tuổi già là lão hóa. Tại sao không điều trị nó trước tiên?
Calico, tên một chiến dịch bí mật của Google thành lập năm 2013 đã đầu tư hàng triệu USD vào nghiên cứu chống lão hóa. Craig Venter, một doanh nhân ngành di truyền học, đã thành lập công ty Human Longevity - Nhân Thọ, tìm kiếm gene kéo dài tuổi thọ. Trong khi đó, các nhà khoa học đã yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép thử nghiệm nhiều loại thuốc quen thuộc như thuốc kiểm soát tiểu đường, metformin, hy vọng phát hiện tác dụng chống lão hóa của chúng.
Con người đang phải đối mặt với nguy cơ lớn về sức khỏe. Thập kỷ tới, chi phí chăm sóc bệnh nhân mất trí nhớ ở Anh sẽ lên tới 38 tỷ USD/năm, tăng 60% so với năm 2007. Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới đã gọi sự gia tăng bệnh mạn tính do dân số già hóa là một thách thức cho ngành y tế công.
Tony không phải là người đầu tiên tìm đáp án cho câu hỏi lão hóa nằm trong máu người. Một trong những thầy thuốc đầu tiên đề xuất truyền máu cho người cao tuổi là Andreas Libavius - bác sĩ kiêm nhà giả kim người Đức.
Năm 1615, ông đề xuất nối mạch máu một ông già vào một thanh niên. Ông đặt hy vọng cao về liệu pháp này.
"Nhiệt huyết trong người một thanh niên sẽ tuôn sang một ông già như suối nguồn tươi trẻ, xua tan mọi sự ốm yếu," Sally Rudmann trích lại lời ông trong Giáo khoa về Ngân hàng Máu và Truyền máu Y khoa. Không ai rõ kết quả thế nào, không có ghi chép về quá trình truyền máu.
Hiệp hội Hoàng gia thành lập ở London năm 1660. Robert Boyle, một trong những hội viên sáng lập, hy vọng có thể kéo dài sự sống bằng cách thay máu cũ bằng máu mới.
Thời đó, các nhà khoa học chưa có khái niệm nhóm máu, hay yếu tố đông máu. Do đó, các thí nghiệm truyền máu đều gây chết người. Chẳng bao lâu, Pháp, Anh và nhiều nước khác ban lệnh cấm thử nghiệm. Giáo hoàng tuyên bố lệnh cấm năm 1679, nghiên cứu truyền máu bị gián đoạn trong một thế kỷ.
Đã 400 năm kể từ lúc Libavius đề xuất truyền máu người trẻ sang người già. Lúc đó, ý tưởng của ông quá cấp tiến và nguy hiểm. Mặc dù khoa học hiện đại đã thành công trong việc tiếp máu an toàn, nhưng máu người luôn là chất lỏng bí ẩn. Nó chở hơn 700 protein và những chất khác chạy suốt cơ thể người. Nhiều chất được nhận dạng, nhưng cơ chế làm việc của chúng vẫn rất mơ hồ.
Tế bào huyết tương trong mạch máu nhìn dưới kính hiển vi. Ảnh: Alamy |
Tony ngờ rằng trong số chúng mang nhiều yếu tố dàn xếp quá trình lão hóa. Nếu hiểu rõ cách thức chúng làm việc, có thể làm chậm, thậm chí đảo ngược quá trình lão hóa.
Khi Tony trong độ tuổi 20-30, ông không quan tâm lắm về lão hóa. Tuy nhiên, ở tuổi 50, ông cho biết: "Tôi nhận thấy não bắt đầu chậm lại. Tôi nắm bắt mọi thứ hoặc nhớ mặt không còn nhanh như trước. Tôi thường phải nhìn người ta trong vài phút mới nhớ ra họ trông thế nào. Tôi từng không hiểu nổi tại sao người ta không nhớ mặt mình, thế mà bây giờ, tôi lại gặp chuyện tương tự."
Đối với Tony, lão hóa không chỉ là vấn đề riêng tư. Năm 2014, tạp chí Science (Khoa học) uy tín của Mỹ xếp công trình nghiên cứu về huyết thanh trẻ của ông là nghiên cứu đột phá của năm. Ông được nhiều Hội nghị và các trường đại học hàng đầu mời diễn thuyết.
Hồi tháng một, Tony được mời tới diễn giảng ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos.
"Như hầu hết những buổi thuyết trình khác, mọi người đều bàn luận hoặc đùa cợt về ma cà rồng," ông than thở. "Ai cũng hỏi tôi, 'Ông có tiêm huyết thanh trẻ không thế?" Ông thề là không, nhưng thật dễ hiểu tại sao người ta hỏi câu đó, nhìn ông trẻ hơn tuổi 50 rất nhiều.
Xem tiếp trang sau >>
Hồng Hạnh (theo Guardian)