Xếp hạng các thành phố ô nhiễm, đơn vị tính µg/m3. Ảnh: WHO |
Tuần trước, Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã báo cáo mật độ trung bình của những hạt bụi có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5) ở bắc kinh là 391µg/ m3, cao gấp gần 40 lần mức độ cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10 µg/m3. Cơ quan bảo vệ môi trường Trung Quốc khuyến cáo người dân nên ở trong nhà.Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hôm 17/9, không khí ô nhiễm giết chết khoảng 3,3 triệu người mỗi năm, hầu hết ở thành thị, nhiều hơn cả HIV, sốt rét và cúm cộng lại. Trong đó, theo Guardian, số người chết vì không khí ô nhiễm ở Trung Quốc được cho là lên tới 1,6 triệu mỗi năm, đặc biệt là ở Bắc Kinh.
Bụi PM2,5 là loại bụi nhỏ nhất trong khí quyển. Chúng có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong của những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.
Đầu năm nay, who công bố kết quả thu thập số liệu từ các trạm giám sát đặt tại 1.622 thành phố ở 91 quốc gia, trong đó 1/3 là thành phố có trên 100.000 dân, trong thời gian từ 2008 - 2013. Kết quả cho thấy, ngày càng nhiều người sống ở thành thị có nguy cơ ô nhiễm cao.
Mức độ ô nhiễm trung bình trong năm ở Bắc Kinh là 56 µg/m3, kém hơn ba lần so với thành phố ô nhiễm nhất, delhi với chỉ số PM2.5 là 153 µg/m3. Ô nhiễm không khí gây ra các tổn thương phổi nghiêm trọng ở khoảng 4,4 triệu trẻ em Ấn Độ, không thể chữa khỏi hoàn toàn. 8 triệu ôtô, các máy phát điện cỡ nhỏ chạy dầu diesel, nhà máy nhiệt điện là các nguồn ô nhiễm chính ở đây.
Tuy nhiên, các thống kê trên đây cũng chưa hoàn toàn phản ánh hết sự thật. Theo một phát ngôn viên của WHO, họ không so sánh hay xếp hạng nhiều thành phố vì không thể thiết lập hệ thống giám sát, vì các lý do chính trị hoặc không đủ nguổn lực.
Người dân thủ đô Ấn Độ đi bộ trong khói mù hồi tháng 10. Ảnh: CNN |
Theo Gary Fuller, một chuyên gia về ô nhiễm không khí tại Đại học Kings, Anh, không thể biết người dân ở đâu trên Trái Đất đang phải chịu đựng mức độ ô nhiễm cao nhất. Và nếu không biết chất lượng không khí thấp, sẽ không có biện pháp nào được thực hiện để cải thiện.
"Khi so sánh mức độ ô nhiễm, chúng tôi chỉ có thể dựa vào số liệu đo đạc được, tập trung vào các thành phố lớn và các nước phát triển. Những nỗ lực đầu tiên đo chỉ số ô nhiễm bằng vệ tinh đã cho thấy nhiều khu vực của thế giới với mật độ dân cư và mức độ ô nhiễm không khí cao", ông nói.
"Các thành phố cho phép thu thập và phổ biến thông tin về chất lượng không khí cần được khen ngợi. Đây là bước quan trọng đầu tiên để có thể bắt đầu có hành động khắc phục", theo phát ngôn viên của WHO.
"Tôi nghĩ rằng Delhi gây chú ý vì chất lượng không khí được đo đạc. Còn rất nhiều thành phố tương tự nhưng không ai biết vì chưa kiểm tra được, như tại các khu vực như Tây Phi hay Trung Đông", giáo sư Randall Martin, lãnh đạo dự án Spartan, hiện đang cải thiện chất lượng của các quan sát từ vệ tinh giúp xác định các thành phố có nguy cơ ô nhiễm cao, cho biết.
Một nghiên cứu dựa trên dữ liệu vệ tinh hồi tháng 8 cho thấy 96% người dân Tây Phi đang sống dưới các tiêu chuẩn của WHO. Khói do con người gây ra, trộn lẫn với bụi cát sa mạc Sahara và muối biển rất nguy hiểm cho phổi. Đầu năm 2015, thủ đô Lagos của Nigeria bắt đầu bị bao phủ bởi khói mù.
"Dù người dân biết tình trạng này ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, họ vẫn cảm thấy nó chưa tới mức nguy hiểm và không gây áp lực lên chính phủ để khắc phục", Udeh Chiagozie, một đại sứ thanh niên Nigeria trong Đề án Eco-Generation về môi trường của Liên Hợp Quốc cho biết.
"Bạn có thể nhìn thấy rất nhiều chiếc ôtô không đủ tiêu chuẩn lưu thông chạy trên đường. Các máy phát điện, ngành công nghiệp, đặc biệt là dầu và khí đang xả khí thải vào thành phố. Sẽ không ngạc nhiên nếu tình trạng khói mù tiếp diễn", Udeh Chiagozie nói.
Một nghiên cứu trong vòng 5 tháng ở Lagos chỉ ra, 5 trong số 8 khu vực có chỉ số PM2.5 vượt quá chỉ số hàng năm của Delhi. Một vài nơi trong thời gian đó thậm chí còn có chỉ số ô nhiễm gần gấp đôi thủ đô Ấn Độ.
Bản đồ thể hiện số lượng các thành phố được lắp đặt trạm theo dõi không khí theo màu. Các vùng màu xám là hoàn toàn không có dữ liệu. Ảnh: WHO |
Một vấn đề khác là ở một số nước, có những khu vực mức độ ô nhiễm cao hơn hẳn mức độ trung bình. Ví dụ như thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, nằm tại lưu vực tự nhiên với chỉ số ô nhiễm trung bình theo WHO là 68μg/m3, tuy xấu nhưng chưa quá khủng khiếp. Tuy nhiên, vào năm 2012, Ngân hàng Thế giới đã đo được chỉ số ô nhiễm tại một vùng lân cận đó, với 175.000 hộ dân sống trong lều truyền thống và đốt than để sưởi ấm, là 200 đến 350μ/m3, vượt xa Delhi.
Khói mù bao phủ Delhi đã buộc các chính trị gia phải hành động. Chính phủ Ấn Độ đang tìm cách thông qua các quy định cứng rắn hơn về các nhà sản xuất xe và cho xây dựng một đường vòng không đi qua thành phố. Ở Trung Quốc, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy có tới 94% người trưởng thành tin rằng chính phủ nên quan tâm hơn tới các vấn đê ô nhiễm. Chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra chương trình lái xe theo ngày, dựa vào biển số. Việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện cũng đang được tiến hành.
Ngoài PM2.5, một nguyên nhân khác gây ô nhiễm nguy hiểm không kém là khí NO2, thải ra từ ô tô. Hãng xe Volkswagen của Đức mới đây đã vướng vào một vụ scandal khi gian lận kết quả kiểm tra khí thải NO2. Tại london , Anh, khí này gây tử vong nhiều hơn cả PM2.5. Một tổ chức phi chính phủ đã sử dụng các dữ liệu về ô nhiễm không khí để kiện Chính phủ Anh ra Tòa án Công lý châu Âu, và Chính phủ Anh đã phải nhận án phạt vì thất bại trong việc bảo vệ người dân ở 40 trên 43 khu vực đô thị.
Người dân ở hàng trăm, và có lẽ là hàng ngàn thành phố khác không thể làm những điều trên vì chính phủ không lắp đặt các hệ thống giám sát chất lượng không khí.
Nguyễn Thành Minh