Trong căn nhà nhỏ nằm cuối đường Giang Văn Minh (phường Hòa Thuận Tây, Hải Châu, Đà Nẵng), ông Nguyễn Duy Trữ (80 tuổi) với mái tóc bạc trắng, nước da đồi mồi chăm chú chỉnh sửa chiếc xe tập đi, đứng an toàn cho người bị liệt. Thấy có khách đến, ông nghỉ tay, cười hiền.
Nét mặt buồn buồn, ông Trữ nhớ lại những năm 90, vợ ông bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người trái. Thương vợ, ông dành tất cả thời gian đưa đến trung tâm phục hồi chức năng và chỉnh hình với mong muốn bà có thể đi lại được.
Khi đến trung tâm trị liệu, ông nhận thấy các dụng cụ dùng cho cho bệnh nhân còn rất ít, vì chủ yếu nhập từ nước ngoài, chiều cao xe cố định nên bất tiện cho người tập. Dụng cụ cho tập đi và tập đứng là hai loại khác nhau nên gây khó khăn cho người bệnh khi di chuyển. Người bệnh khi tập mỏi gối không thể ngồi xuống nghỉ ngơi và rất dễ ngã khi không có người thân hỗ trợ.
Ông Trữ bên sáng chế độc đáo của mình. Ảnh: Vân Anh. |
"Nhiều lúc thấy vợ ngã, phải chịu đau đớn trong khi tập mà lòng thấy đau đớn xót xa quá. Tôi chỉ ước lúc đó có thể chịu một phần nỗi đau cho vợ", ông Trữ ngậm ngùi nhớ lại. Nhiều đêm trăn trở "phải làm điều gì để giúp vợ có thể tập đi lại ngay tại nhà mà hiệu quả", ông quyết biến ý tưởng tạo ra chiếc xe tập đi, đứng an toàn cho người bại liệt thành hiện thực.
Cả ngôi nhà ông khi đó biến thành xưởng chế tạo cơ khí, toàn khung thép, ốc vít với những chiếc bơm cũ kỹ… Rất nhiều lần thất bại, những dự định của ông như rơi vào bế tắc. Một lần tình cờ ông nhìn đứa cháu gái ngồi trên chiếc xe tập đi vòng tròn. Cứ đi được một đoạn, mỏi chân bé lại ngồi xuống nghỉ ngơi. "Mình chợt nghĩ người bị tai biến cũng giống như đứa trẻ phải tập đứng, tập đi từng bước một mới tiến bộ. Mọi bế tắc như được đả thông, tôi vội về nhà bắt tay làm ngay", ông cụ chia sẻ.
Năm 2001 chiếc xe tập đi, đứng an toàn cho người bị liệt ra đời. Được thiết kế dựa trên nguyên lý xe tập đi của trẻ em, kết hợp với cặp nạng của người tàn tật, xe vừa có thể di chuyển vừa cố định đứng yên, giúp người bệnh có thể sử dụng được cả hai chức năng tập đứng và tập đi.
Kết cấu xe rất vững chắc, phần chiều cao cố định 0,8 m, phía sau có bộ phận điều chỉnh theo độ cao của bệnh nhân bằng bơm tay, một cặp nạng điều chỉnh được gắn hai bên hông vòng trên để đỡ người có tầm vóc cao. Xe có hai vòng sắt to tròn, vòng trên có đường kính 0,43 m, gắn với một võng ngồi để bệnh nhân ngồi nghỉ khi mệt. Vòng dưới có đường kính 0,8 m gắn với 6 bánh xe đa hướng có phanh. Phía trước hai vòng đều có đoạn đóng mở được, làm cửa cho bệnh nhân ra vào xe.
Ông Trữ sử dụng bơm hơi để nâng giá đỡ bệnh nhân. Ảnh: Vân Anh. |
Điểm đặc biệt của xe nằm ở hệ thống nâng bằng hơi, khi cần có thể sử dụng bơm để nâng bệnh nhân lên cao, và xả van hơi để hạ bệnh nhân xuống. Phía trên còn có dây an toàn để đảm bảo bệnh nhân không ngã về phía trước hoặc phía sau, tạo sự ổn định, chắc chắn cho xe và an toàn cho bệnh nhân.
Ban đầu ông cho những người bị liệt mượn dùng thử. Thấy hiệu quả, nhiều người đến đặt hàng. Hiện nay, mỗi xe có giá 3,8 triệu đồng. "Cứ nghĩ đến vợ là tôi lại thấy buồn vì không được nhìn thấy bà ấy sử dụng chiếc xe do chính tay mình làm ra", ông cụ buồn bã nói.
Nhờ sự sáng tạo độc đáo của mình, ông Võ Duy Trữ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế ngày 19/4/2010.
Trong thời gian sắp tới, ông Trữ dự định nghiên cứu để thu gọn chiếc xe từ 0,8 m xuống còn 0,4 m, nhằm thuận tiện trong việc sử dụng và vận chuyển xe khi cần thiết. "Hy vọng trong tương lai không xa những chiếc xe sẽ được sản xuất đại trà để giúp cho những người bệnh, đặc biệt với bệnh nhân nghèo có cơ hội sử dụng để phục hồi chức năng một cách hiệu quả", ông Trữ chia sẻ.
Vân Anh