Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier, trái, cùng Thứ trưởng Tài chính Trương Trí Chung tại lễ ký kết. Ảnh: Việt Anh |
Ông Poirier cùng ông Remi Genevey, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại việt nam và ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính chiều nay ký thỏa ước tín dụng cho khoản vay trị giá 20 triệu euro dành cho Việt Nam, thuộc giai đoạn 5 của “Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu” (SP-RCC).
Chương trình này nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách trong các ngành nhằm chống biến đổi khí hậu có hiệu quả, đồng thời khuyến khích sự phát triển có mức phát thải carbon thấp. Khoản hỗ trợ ngân sách cho chương trình SPRCC được giải ngân dựa theo kết quả thảo luận về các chính sách và cải cách được phê duyệt.
Việt Nam là một trong những nước bị tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu, và đặc biệt liên quan tới những thách thức trên. Chương trình SP-RCC do AFD và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng khởi xướng năm 2009, thông qua đề xuất cấp hỗ trợ ngân sách cho Việt Nam, nhằm hỗ trợ các hoạt động ứng phó chống biến đổi khí hậu. Sau đó, nhiều nhà tài trợ quốc tế đã cùng tham gia chương trình này, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB).
Khoản hỗ trợ ngân sách cho giai đoạn 5 này đưa tổng cam kết hỗ trợ ngân sách của AFD cho chương trình SPRCC lên mức 100 triệu euro. Trong giai đoạn 2006-2014, AFD đã dành cho Việt Nam 471 triệu euro cho 16 dự án phát triển có lợi ích kép về khí hậu. Là trụ cột trong chính sách hỗ trợ phát triển chính thức của Pháp, AFD đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994. Tổng mức cam kết hỗ trợ phát triển chính thức của AFD dành cho Việt Nam đã lên tới hơn 1,6 tỷ euro, cho 79 dự án.
Trao đổi với VnExpress, Đại sứ Pháp Poirier cho biết ông nhận thấy ở Việt Nam mọi người đã ý thức được những thách thức do BĐKH đem lại và những tác động to lớn mà Việt Nam sẽ phải đương đầu. Chính phủ Việt Nam đang huy động đang huy động tất cả các bộ, ban, ngành trong cuộc chiến này. Hiện Việt Nam đã có các chính sách, quyết định và làm việc chặt chẽ với các đối tác nước ngoài để làm sao đưa ra được các chính sách hợp lý nhất, hạn chế tối đa tác động của BĐKH.
"Để đối phó với vấn đề này, chúng ta phải thay đổi rất nhiều, về thói quen, tập quán, cách làm việc, ở nhiều cấp độ, từ chính quyền, doanh nghiệp và từng người dân. Để làm việc đó hiệu quả, chúng ta cần có sự phối hợp với các bên chứ không phải làm đơn lẻ, tự phát. Chúng ta phải có những thói quen, cách làm mới để thích ứng với những thay đổi đó ", ông Poirier nói.
Việt Anh