Mô phỏng hai hố đen. Ảnh: IB Times |
"Hai hố đen trong chòm Xử Nữ đang lao vào nhau, tạo thành vụ va chạm siêu lớn", Zoltan Haiman, nhà thiên văn học của đại học Columbia, Mỹ, cho biết. Haiman là đồng tác giả nghiên cứu về hai hố đen đăng trên tạp chí Nature hôm 17/9.
Chúng xoay quanh nhau ở một chuẩn tinh của thiên hà cách trái đất 3,5 tỷ năm ánh sáng, có tên là PG 1302-102. Có nghĩa là, hình ảnh mà các nhà khoa học quan sát được về chúng chính là thời điểm sự sống mới bắt đầu trên Trái Đất, theo CNN.
Trong số 20 cặp hố đen được phát hiện đến nay, các nhà khoa học tập trung quan sát PG 1302-201 vì độ sáng của nó. Họ phát hiện nó sáng lên 14% sau mỗi 5 năm. Từ đó, các nhà khoa học tính toán được khoảng cách giữa chúng, ước tính chưa đầy một tuần ánh sáng, tương đương 322 tỷ km.
Hố to hơn có kích thước gấp một tỷ lần mặt trời , một hố xoay quanh hố kia với vận tốc 1/10 tốc độ ánh sáng. Ở khoảng cách này, khi va chạm, chúng sẽ giải phóng năng lượng tương đương 100 triệu vụ nổ siêu tân tinh , chủ yếu ở dạng sóng hấp dẫn.
Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tìm thêm được các hố đen sắp va chạm và hy vọng, được chứng kiến một vụ va chạm trong vòng 10 năm nữa. Lúc đó, họ sẽ nghiên cứu được sóng hấp dẫn - lý thuyết mà nhà khoa học Albert einstein đưa ra lần đầu hơn 100 năm trước.
"Việc phát hiện sóng hấp dẫn cho phép chúng tôi tìm hiểu những bí mật của lực hấp dẫn và kiểm chứng lý thuyết của Einstein tại môi trường khắc nghiệt nhất của vũ trụ chúng ta - hố đen", Daniel D'Orazio, tác giả chính của nghiên cứu nói.
Vụ va chạm sẽ giải phóng năng lượng cực lớn, chủ yếu ở dạng sóng hấp dẫn. Ảnh minh họa: IB Times |
Xem thêm: Ông hoàng vật lý nêu lý thuyết hố đen là cánh cửa sang vũ trụ khác
Hồng Hạnh