Hai hố đen xoay quanh nhau trong chuẩn tinh Markarian 231. Ảnh: Science Daily |
Xinyu Dai, giáo sư vật lý thiên văn, Đại học Oklahoma (Mỹ), cùng Youjun Lu, một nhà nghiên cứu của Mạng lưới đài thiên văn quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, quan sát bức xạ cực tím phát ra từ trung tâm của Markatian 231 (Mrk 231), bằng cách dùng dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Hubble của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Họ quan sát bức xạ tia cực tím phát ra từ trung tâm Mrk 231, sau đó, sử dụng mô hình do Lu phát triển để nghiên cứu quang phổ của thiên hà. Từ đó, dự đoán sự tồn tại của hố đen hệ nhị phân - hố đen gồm hai ngôi sao một lớn một nhỏ trong Mrk 231, Science Daily đưa tin.
"Chúng tôi rất phấn khích trước phát hiện này, bởi nó không chỉ cho thấy sự tồn tại của một hệ hố đen đôi khá gần nhau trong chuẩn tinh Markarian 231, mà còn mở ra một hướng mới để tìm những hệ hố đen đôi thông qua bức xạ cực tím phát ra tự nhiên từ chúng," Lu phát biểu.
Hai hố đen trong chuẩn tinh Mrk 231 xoay quanh nhau với tốc độ cực lớn. Năng lượng mà chúng phát ra lớn đến nỗi nó làm lu mờ ánh sáng của hàng tỷ ngôi sao xung quanh.
Theo Dai, cấu trúc của vũ trụ, chẳng hạn như những thiên hà khổng lồ và cụm thiên hà, tăng lên nhờ cơ chế sáp nhập nhiều thiên thể nhỏ thành thiên thể lớn hơn.
"Những hệ hố đen đôi là kết quả tự nhiên của hiện tượng các thiên hà sáp nhập," Dai giải thích. Vì vậy, theo thời gian, hai siêu hố đen mà Dai và Lu phát hiện trong chuẩn tinh Mrk 231 sẽ va chạm rồi hòa nhập để trở thành hố đen siêu khối lượng.
Hố đen lớn hơn Mặt Trời 12 tỷ lần.
Chuẩn tinh là những vùng khí và bụi siêu nóng xung quanh một hố đen. Chúng là những vật thể sáng nhất trong vũ trụ. Nằm ở trung tâm của các thiên hà, chuẩn tinh chỉ tồn tại trong thời gian tương đối ngắn so với tuổi vũ trụ nên chúng là dạng thiên thể hiếm.
Nếu quan sát một hố đen nằm giữa chuẩn tinh, sẽ thấy vùng bụi và khí xung quanh hố đen phát ra ánh sáng mạnh màu tím. Markarian 231 cách địa cầu 581 triệu năm ánh sáng. Nó là chuẩn tinh gần Trái Đất nhất. Nghiên cứu này công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal hôm 14/8.
Việt Phong