"Vườn hóa học" - nơi tái tạo những điều kiện môi trường tương tự trái đất nguyên thủy. Ảnh: NASA |
Nhóm nghiên cứu thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 6/7 công bố kết quả thí nghiệm mô tả cách thức dạng sống đầu tiên trên Trái Đất xuất hiện.
Trái Đất nguyên thủy có môi trường khác xa ngày nay. Khí hậu chưa hình thành, nhiệt độ rất cao, chỉ tồn tại các hợp chất vô cơ và đất đá. Trong lòng đại dương, những miệng phun thủy nhiệt phun trào liên tục mang theo dòng nước chứa khoáng chất. Đây có thể là nơi những tế bào sống đầu tiên xuất hiện.
Nhóm nghiên cứu tạo ra một môi trường tương tự đáy biển thời đó trong một bình chứa để tìm hiểu xem sự sống xuất hiện như thế nào. Trong bình chứa được gọi là "vườn hóa học", những cột muối kết tủa vươn lên từ đáy ống cũng tương tự như miệng phun thủy nhiệt trong thực tế.
Sau đó các thành viên của nhóm nhận thấy rằng giữa các hóa chất trong ống nghiệm bắt đầu có sự tương tác với nhau và tạo ra điện, đặc biệt là chất sắt sulfua và sắt hydroxit. Liên kết bốn "vườn hóa học" với nhau, điện năng tạo ra đủ để thắp sáng một bóng đèn.
"Những cột muối này có vai trò dẫn điện giống như dây điện," Laurie Barge, trưởng nhóm nghiên cứu nói trong tuyên bố chính thức về nghiên cứu của cả nhóm.
Barge hiện đang nghiên cứu tại Phòng Nghiên cứu động cơ phản lực thuộc NASA. Ông cũng đồng thời nghiên cứu trong lĩnh vực sinh vật học. Nhóm nghiên cứu của Barge tìm hiểu về nguồn năng lượng tạo ra sự sống trên Trái Đất nhằm tìm kiếm những nguồn năng lượng tương tự trong vũ trụ, từ đó có thể tìm kiếm sự sống trên hành tinh khác.
Điện năng tạo ra trong một vài "vườn hóa học" thắp sáng một bóng đèn. Ảnh: NASA |
Trương Quốc Bảo