Giun 'bọc thép' mình gai E. rarus. Ảnh: Dinghua Yang. |
Theo Live Science, các nhà nghiên cứu phát hiện loại giun nhỏ đáng sợ mang tên Eokinorhynchis rarus (E. rarus) ở Nam Giang, Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Ở kỷ cambri cách đây 490 - 543 triệu năm, khu vực khảo cứu không có những dãy núi dốc như ngày nay, thay vào đó là đại dương nông giàu phosphate. Vùng trầm lắng dưới đáy biển chính là nơi cư ngụ của E. rarus. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện trên tạp chí Scientific Reports hôm 26/11.
Phosphate trong đại dương làm E. rarus hóa thạch hàng trăm triệu năm về trước, thay thế lớp mô mềm trên cơ thể chúng bằng calcium phosphate, hợp chất tạo nên răng và xương người. Loài giun cổ đại có kích thước rất nhỏ với chiều dài chưa đến 2 mm.
Việc tìm thấy hóa thạch siêu nhỏ của tổ chức sinh vật như E. rarus không dễ dàng. Shuhai Xiao, giáo sư sinh học địa chất tại Đại học bách khoa Virginia, Mỹ, đồng thời là tác giả nghiên cứu, chia sẻ ông cùng đồng nghiệp phải khai quật khoảng nửa tấn đất đá từ khu vực nhằm tìm kiếm những dấu vết của sinh vật cổ đại.
"Hóa thạch nhỏ đến mức bạn không thể nhìn thấy chúng trong khu vực khảo cứu", Xiao cho biết. Các nhà khoa học mang nửa tấn đất đá về phòng thí nghiệm. Họ phân rã lớp đất đá bằng axit acetic, hợp chất tương tự dấm và không gây ảnh hưởng đến hóa thạch calcium phosphate. Đá phấn tan chảy hết làm lộ ra những mẫu hóa thạch rất nhỏ. Quá trình xử lý mẫu vật đòi hỏi nhiều sự khéo léo do kích thước cũng như độ dễ vỡ của chúng.
E. rarus có chiếc đầu thuôn dần về nơi gắn liền với cổ. Cơ thể chúng bao gồm ít nhất 20 đốt thân, mỗi vòng thân được bao bọc bởi những tấm xương cứng như kim loại cắm đầy gai nhọn , ngoài ra 5 cặp gai lớn chạy dọc theo thân.
E. rarus có nhiều đặc điểm tương tự một nhóm nhỏ động vật không xương sống dưới biển còn tồn tại đến ngày nay tên kinorhynchs. Những con giun "bọc thép" siêu nhỏ có nguồn gốc từ kỷ Cambri này nằm cùng ngành với động vật chân đốt .
Phương Hoa