Cỗ quan tài mạ vàng hình người của vợ chồng Kha được trưng bày trong Bảo tàng ai cập ở Turin, Italia. Ảnh: Michelangelo de Biasio |
Theo Ancient Origin, xác ướp của họ được xử lý bằng chất kháng khuẩn cũng như chất chống sâu bọ để bảo quản các bộ phận cơ thể, bao gồm cả đôi mắt. Điều này trái ngược với quan điểm trước đây cho rằng, bởi vì nội tạng của hai vợ chồng không bị loại bỏ nên họ đã trải qua một quá trình ướp xác kém chất lượng.
Năm 1906, nhà khảo cổ học Ernerto Schiaparell phát hiện ngôi mộ của cặp đôi Kha và Merit, thuộc Vương triều Ai Cập thứ 18, tại vách đá bao quanh khu làng cổ Deir el Medina, Ai Cập. Ngôi mộ chưa từng bị cướp phá nên vẫn lưu giữ một số đồ mai táng đẹp và có giá trị như: 5 chiếc quan tài mạ vàng, đồ trang sức bằng vàng, trang phục làm từ vải lanh, đồ lót thêu chữ lồng, hai trong số những bản sao sớm nhất của Cuốn sách Tử thần (Book of the Dead). Thông tin được đăng trên tạp chí PLOS One hôm 22/7.
Raffaella Bianucci, tác giả chính của báo cáo và cộng sự sử dụng kỹ thuật chụp X-quang thế hệ mới và phương pháp phân tích vi lượng hóa học để tìm hiểu quy trình ướp xác.
Chuỗi vòng cổ và khuyên tai phu nhân Merit đeo. Ảnh: NCBI |
Họ phát hiện cả hai vợ chồng đều trải qua một quá trình ướp xác chất lượng cao, trong đó có sử dụng những thành phần mang đặc tính chống vi khuẩn, chống côn trùng và nhựa thông nhập khẩu đắt tiền. Các bộ phận cơ thể của hai vợ chồng (cơ quan trong vùng bụng và ngực, bộ não, nhãn cầu mắt) đều được bảo quản rất tốt bằng muối natron sau gần 3.500 năm.
"Lớp phủ bên ngoài Kha là một công thức ướp xác gồm có: mỡ động vật/dầu thực vật trộn lẫn với một lượng nhỏ nhựa thơm chiết suất từ thực vật, gôm thực vật, nhựa cây lá kim. Nhựa cây lá kim và nhựa thơm là chất bảo quản chống vi khuẩn và côn trùng," các tác giả cho biết.
"Công thức ướp xác của Merit là một loại dầu khác thường trộn với nhựa thơm, nhựa cây lá kim, sáp ong và gôm thực vật. Những thành phần này tạo ra khả năng kháng khuẩn. Lớp phủ phía ngoài Merit được xử lý bằng muối natron, điều này mâu thuẫn với đánh giá trước đó cho rằng xác ướp của bà kém chất lượng."
Theo các nhà nghiên cứu, Kha là kiến trúc sư phụng sự dưới Vương triều Ai Cập thứ 18, vào thế kỷ 15 và 14 trước Công nguyên. Kha qua đời dưới triều đại vua Amenhotep III, người cai trị đến năm 1348 trước Công nguyên. Chức vụ cao nhất ông từng giữ là giám đốc Công trình Hoàng gia ở Deir el Medina, chuyên quản lý xây dựng lăng mộ cho hoàng gia.
Lê Hùng