Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, ăn uống hợp lý có vai trò quan trọng vì giúp kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, cholesterol và bảo vệ thận.
Chế độ ăn hợp lý có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết của cơ thể. Ảnh: depositphotos |
10 điểm lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn ăn đủ chất nhưng không tăng đường huyết.
1. Ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, cân đối đủ 4 nhóm chất. Nên có từ 10 đến 15 loại trong một ngày để cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng.
2. Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, đảm bảo 3 bữa chính và nên có 2-3 bữa phụ.
3. Không để quá đói sẽ gây hạ đường huyết. Không ăn quá no, quá nhiều trong một bữa sẽ gây tăng đường huyết sau ăn.
4. Hạn chế các thực phẩm gây tăng đường huyết:
- Gạo chà trắng, bánh mì, khoai tây.
- Trái cây ngọt, nước ép khoai tây, chuối chiên...
- Đường tinh luyện, mật ong, bánh kẹo, chè, nước ngọt...
5. Có thể ăn thường xuyên với số lượng vừa đủ theo nhu cầu của những thực phẩm ít gây tăng đường huyết như:
- Cá, thịt nạc, đậu hũ...
- Gạo không chà xát quá trắng, các loại đậu nguyên hạt...
- Rau, củ, trái cây ít ngọt như thanh long, bưởi, lê, mận, táo.
- Các loại sữa ít béo và không đường.
6. Hạn chế ăn mặn, sử dụng ít hơn 1 muỗng cà phê muối một ngày. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như mì gói, chả lụa, chả giò...
7. Hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá), da, phủ tạng (tim, gan, óc, thận...)
8. Khi chế biến thức ăn cần chú ý không xay nhuyễn và hầm quá nhừ, không chế biến thức ăn ở nhiệt độ cao như chiên, nướng.
9. Hạn chế bia (ít hơn 330ml một ngày), rượu (ít hơn 150ml mỗi ngày đối với rượu vang, ít hơn 30ml ngày đối với rượu mạnh).
10. Uống đủ nước 6 đến 8 ly mỗi ngày.
Ngoài chế độ ăn hợp lý, cần có chế độ vận động, tập thể dục thường xuyên, đều đặn và phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Lê Phương