Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), có khoảng 15 triệu người Mỹ không đi làm theo khung hành chính từ 9-18 giờ mỗi ngày. Họ làm đêm và điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe cũng như những rủi ro mà đồng nghiệp ban ngày ít gặp phải. Cụ thể đó là gì:
1. Mất giấc ngủ
Những người thức khuya, làm ca đêm hay ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày đều có hàm lượng serotonin thấp hơn bình thường. Đây là một loại hóc-môn quan trọng ảnh hưởng tới giấc ngủ, theo đó, các đối tượng này sẽ bị tăng gấp đôi nguy cơ mất ngủ cộng với những hậu quả kèm theo của căn bệnh này. Dù sau này bạn ngưng làm ca đêm thì tình trạng mất ngủ có thể vẫn tiếp diễn.
2. Nguy cơ tiểu đường
Theo một nghiên cứu đăng trên tờ Occupational & Environmental Medicine, người làm ca đêm sẽ gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 lên 10%, vì làm việc đêm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của insulin.
3. Gia tăng nguy cơ ung thư
Làm việc ca đêm sẽ gia tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ lên 30%. Những người chỉ làm dưới 3 đêm mỗi tuần cũng có nguy cơ bị ung thư vú tương tự, vì điều này sẽ khiến cho nhịp sinh học của họ còn thất thường hơn.
4. Tăng nguy cơ tim mạch
Làm việc ca đêm có thể gây giảm hàm lượng leptin, đây là loại hóc-môn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cân nặng, cũng như kiểm soát insulin và lượng đường trong máu. Do đó, những thay đổi từ ngày sang đêm không chỉ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường mà còn gây ra bệnh tim mạch . Từ năm 2009 - 2010, theo kết quả tổng kết ở Canada, làm việc ca đêm là thủ phạm gây nên 7% ca đau tim; 7,3% ca bệnh động mạch vành và 1,6% ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
5. Gia tăng rủi ro tai nạn lao động
Theo nghiên cứu của Đại học British Columbia (Canada), làm việc ca đêm sẽ gia tăng gấp đôi rủi ro tai nạn lao động. Việc giấc ngủ bị ngắt quãng sẽ khiến tâm trí con người mệt mỏi và buồn ngủ, dẫn đến bất cẩn khi vận hành máy móc hoặc các hoạt động khác.
Chưa kể làm việc ca đêm còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần, khiến người ta dễ bị rối loạn tâm trạng, dễ trầm cảm, cáu gắt.
Nguồn: Huffington Post