Sáng sớm 14/5, người dân bàng hoàng khi nghe tin hàng chục em học sinh lớp 6 ở Buôn Đôn, Đắk Lắk có thể bị chết đuối trên dòng sông Serepok. Rất may, cuối ngày, theo thông báo của UBND tỉnh, chỉ có 4 em học sinh thiệt mạng. 4 em, vẫn quá là đau xót. Vài ngày trước đó, em Nguyễn Văn Nam học sinh Trường PTTH Đô Lương (Nghệ An) cũng đã thiệt mạng do cố gắng cứu 5 em nhỏ thoát chết đuối.
Khu vực nhóm học sinh bị lớp 6 bị cuốn chìm ở Sêrêpok ngày hôm qua. Ảnh: An Nhơn. |
Tình hình đuối nước ở nước ta trong mấy năm gần đây là nghiêm trọng. Tỷ lệ đuối nước của trẻ em Việt Nam hiện cao nhất trong khu vực và gấp 10 lần các nước phát triển. Theo thống kê, mỗi năm có vài ba ngàn học sinh, trẻ nhỏ bị thiệt mạng do đuối nước, trung bình, 10 em một ngày.
Cả xã hội lo lắng. Chủ trương đưa bơi lội vào trường học đã có, tuy nhiên rất khó khả thi do các trường thiếu bể bơi, giáo viên... Ngoài ra, biết bơi cũng không đủ đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ và học sinh. Bằng chứng là nhiều người lớn, khỏe mạnh, bơi giỏi vẫn bị chết đuối nếu lơ là, chủ quan. Trong một đất nước có mạng lưới sông, hồ, ao, chuôm chằng chịt, có bờ biển dài thì tai nạn đuối nước vẫn đang là mối đe dọa rình rập đối với mọi nhà.
Để phòng chống đuối nước hiệu quả, chúng ta cần hiểu rõ đuối nước là gì, đối tượng nào hay bị đuối nước... từ đó mới có thể đưa ra những biện pháp thích hợp, thay vì cứ tập trung nguồn lực xã hội vào dạy trẻ em bơi (không khả thi cho điều kiện hiện nay) chỉ bởi nghĩ rằng biết bơi là giúp không bị chết đuối.
Đuối nước là gì? Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa rằng đuối nước là hiện tượng mà khí quản của người lớn hay trẻ nhỏ bị một chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào dẫn tới khó thở. Hậu quả của ngạt thở lâu có thể là tử vong (chết đuối) hoặc không tử vong, nhưng gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết trẻ nhỏ và học sinh là đối tượng dễ bị đuối nước nhất, đặc biệt là trẻ nhỏ và học sinh ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Việt Nam là một ví dụ điển hình.
Phù hợp với định nghĩa về đuối nước nêu trên, đã có nhiều trẻ nhỏ bị chết đuối ngay ở nhà, trong xô chậu rửa bát, chum vại đựng nước, bể cá cảnh, bồn cầu, bồn tắm, vũng nước nông... không bơi được. Những tai nạn đuối nước kiểu này không chỉ xảy ở Việt Nam mà còn đã xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới.
Như vậy, bất kỳ một mặt nước hở nào cũng có thể là mối nguy với trẻ nhỏ khi nước có thể xâm nhập vào khí quản làm ngạt thở dẫn tới đuối nước, tử vong. “Mặt nước hở nguy hiểm” có ở mọi nơi, trong nhà, ngoài ngõ. Chúng có thể đơn giản chỉ là xô chứa nước bỏ giữa nhà, chum vại đựng nước không đậy nắp, vũng nước đầu hè sau cơn mưa... hoặc có thể là sông ngòi hồ ao, biển cả ...
Trong điều kiện chưa thể đưa bơi lội vào trường học, để giảm thiểu tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh, cần chú trọng thực hiện các biện pháp sau:
1. Trông nom cẩn thận trẻ nhỏ và học sinh nhỏ tuổi: Trẻ dưới 10 tuổi cần được trông nom cẩn thận, bởi các em rất dễ tổn thương trước những tác động rất nhỏ, bất ngờ nhất: Ngã vào chậu nước, bồn cầu, bể cá, hố tôi vôi, rãnh nước đầu nhà, ao cá trước mặt, ven đường...
2. Loại bỏ “Mặt nước hở nguy hiểm”: Đậy kín bể cá, xô chậu, chum vại đựng nước, đóng nắp bồn cầu, tháo nước bồn tắm, nắp kín cống rãnh, giếng khơi..., rào kín các hố nước, hố đào xung quanh nhà...
3. Cảnh báo về “Mặt nước hở nguy hiểm”: Cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở những nơi nước sâu, những nơi sông nước nguy hiểm (sông suối, bãi tắm, bến cảng, bến đò...);
4. Giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng của trẻ nhỏ và học sinh: Trẻ nhỏ cần biết đuối nước là gì, biết nhận diện “Mặt nước hở nguy hiểm” có ở nơi mình sinh sống và học tập, được cảnh báo về những tai nạn đuối nước đã xảy ra; được dạy cách ứng xử khi gặp nguy hiểm sông nước, tuân thủ quy định an toàn giao thông đường thuỷ...
Gia đình và nhà trường là 2 địa chỉ đảm nhận việc này tốt nhất. Ở nhà bố mẹ nhắc nhở, tới trường các em được học khoảng 10 - 15 tiết phòng chống đuối nước mỗi năm (ghép vào giáo dục công dân hay giáo dục thể chất, không phải là học bơi ), chia đều trước các dịp nghỉ lớn, trước hè...
5. Thực hiện tốt An toàn giao thông đường thủy: Không đi đò đầy, không chở quá quy định, qua đò thuyền cần mặc áo phao, có thiết bị phòng thân...
6. Tạo hành lang pháp lý phù hợp: Cần chỉ rõ đầu mối chịu tránh nhiệm mỗi khi có tai nạn xảy ra... từ đó có các chế tài hợp lý.
Nếu 6 biện pháp ở trên được thực hiện tốt, số tai nạn đuối nước đối với trẻ nhỏ và học sinh sẽ giảm đi đáng kể, có thể tới 90-95%. Những biện pháp này là khả thi, ít tốn kém hơn việc đưa bơi lội vào trường học.
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn
Giám đốc Trung tâm E-Bơi (Hà Nội)