Dưới đây là 8 hiểu lầm thường gặp của chúng ta về vấn đề vô sinh, dẫn đến việc chủ quan không phòng tránh bệnh:
1. phụ nữ dễ bị vô sinh hơn đàn ông
Nhiều người phụ nữ dễ bị vô sinh hơn đàn ông vì cấu tạo “vùng kín” của chị em phức tạp, dễ mắc phải các bệnh phụ khoa liên quan hơn.
Sự thật là: Trong số các ca bị vô sinh, nguyên nhân xuất phát từ phái đẹp và nam giới gần như tương đương nhau, mỗi bên chiếm khoảng 40%, 20% còn lại là do từ cả hai giới. Cánh mày râu không nên ỷ y, đổ thừa nguyên nhân do phụ nữ và càng không nên chủ quan, lơ là trước sức khỏe sinh sản của chính mình.
Trong số các ca bị vô sinh, nguyên nhân xuất phát từ phái đẹp và nam giới gần như tương đương nhau. (Ảnh minh họa)
2. “Nguyệt san” và “xuất quân” bình thường là không bị bệnh
Nếu phụ nữ có kinh nguyệt hàng tháng bình thường và nam giới mỗi khi làm chuyện ấy thấy “xuất quân” ngon lành thì sẽ không bị vô sinh.
Sự thật là: Có kinh nguyệt bình thường nhưng nếu chị em gặp trục trặc về ống dẫn trứng, tử cung có vấn đề khiến phôi thai khó làm tổ… thì cũng có thể bị vô sinh. Với nam giới, xuất tinh bình thường nhưng nếu trong tinh dịch không có tinh trùng, hoặc có nhưng ít, chất lượng kém… thì cũng sẽ bị hiếm muộn.
3. Gầy hay mập không liên quan đến vô sinh
Vô sinh là do cấu tạo bên trong của bộ phận sinh dục, không liên quan gì đến cân nặng.
Sự thật là: Phụ nữ ốm hay mập quá đều có nguy cơ bị vô sinh cao hơn những bạn có cân nặng bình thường. Cụ thể, nếu quá mập, các mô mỡ sẽ làm rối loạn chức năng buồng trứng, ảnh hưởng đến sự rụng trứng, phóng noãn, chất lượng trứng kém… Cạnh đó, béo phì còn dễ dẫn đến hội chứng buồng trứng đa nang, kháng insulin của cơ thể, nếu có thai cũng làm tăng nguy cơ sẩy thai.
Chị em nào quá gầy sẽ dễ gặp phải tình trạng rối loạn chức năng rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt không đều, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và rụng trứng. Khả năng thụ thai tự nhiên sẽ giảm ở người gầy do các hormone sinh sản oestrogen bị giảm trong khi “yêu”…
4. Làm “chuyện ấy” nhiều sẽ hạn chế vô sinh
quan hệ tình dục thường xuyên, tinh trùng sản xuất ra nhiều, dễ gặp trứng hơn nên sẽ giảm được nguy cơ vô sinh.
Sự thật là: Nếu chị em bị rối loạn chức năng rụng trứng hoặc nam giới vô tinh thì dù quan hệ nhiều lần cũng rất khó có thai. Chưa kể, nguyên nhân gây vô sinh còn do các vấn đề khác về nội tiết, tử cung, cổ tử cung, bệnh lý… (nữ) hoặc giãn tĩnh mạch thừng tinh, teo tinh hoàn, rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh, tinh trùng yếu… ở nam giới. Bên cạnh đó, làm “chuyện ấy” nhiều còn dễ gây mệt mỏi, giảm chất lượng và số lượng tinh trùng.
5. Từng sinh nở thì chắc chắn không bị vô sinh
Vô sinh chỉ xảy ra ở chị em ngay từ đầu đã không thể có con, ngược lại, nếu đã sinh con rồi thì sau đó không thể bị vô sinh.
Phụ nữ đã từng sinh nở vẫn có nguy cơ bị vô sinh. (Ảnh minh họa)
Sự thật là: Vô sinh được xác định khi 1 cặp vợ chồng sau 1 năm chung sống, làm “chuyện ấy” trung bình 2-3 lần/tuần, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào nhưng người phụ nữ vẫn không thể có thai. Vô sinh bao gồm 2 dạng là vô sinh nguyên phát (chưa có thai lần nào) và vô sinh thứ phát (đã có ít nhất 1 lần mang thai, sẩy thai hoặc phá thai và quá thời hạn một năm sau đó muốn có thai mà vẫn không được). Vô sinh thứ phát xảy ra ở cả nam và nữ, cần đến bệnh viện để được chẩn đoán đúng bệnh.
6. “Thẩm du” nhiều cũng chẳng sao
Mỗi lần “một mình”, cơ thể được sảng khoái, tinh trùng sản xuất liên tục nên không thể làm tăng nguy cơ vô sinh.
Sự thật là: “Thẩm du” là hành vi hoàn toàn bình thường ở nam giới trưởng thành, tuy nhiên, nếu các chàng thường xuyên “thẩm du” thái quá với tần suất cao và kéo dài thì có thể gây xuất tinh khó hoặc không xuất tinh được. Hai tình trạng này cũng góp phần gây ra chứng vô sinh ở nam giới.
7. Chỉ gặp ở người ngoài 30 tuổi
Càng lớn tuổi thì nguy cơ bị vô sinh càng cao. Những người sức khỏe dồi dào, dưới 30 tuổi thì rất khó bị vô sinh vì sức khỏe sinh sản tốt.
Sự thật là: Vô sinh vẫn có thể xảy ra ở những nam giới và bạn gái trẻ tuổi, vì các bạn cũng có thể gặp phải những nguyên nhân liên quan như không rụng trứng, tắc vòi trứng, tổn thương dính ở tử cung, buồng trứng… (nữ), không có tinh trùng, tinh trùng yếu, rối loạn xuất tinh… (nam). Một vài thống kê tại các bệnh viện cũng cho thấy, tình trạng vô sinh đang có xu hướng trẻ hóa.
8. Không mang tính di truyền
Khả năng sinh sản là “vốn liếng tự có” của mỗi người, không liên quan gì đến vấn đề di truyền. Đây là hiểu lầm thường gặp của nhiều người.
Sự thật là: Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chức năng sinh sản ở cả hai phái. Nó tác động lên tất cả các giai đoạn của hệ thống sinh sản như: hình thành giới tính, sinh giao tử (tinh trùng và trứng), giai đoạn đầu phát triển của phôi... Các bất thường di truyền bao gồm: bất thường về số lượng và cấu trúc nhiễm sắc thể, đột biến các gen liên quan đến chức năng sinh sản, bất thường đơn gen. Theo đó, tỷ lệ chị em bị vô sinh do di truyền thường thấp hơn so với nam giới.