Ảnh minh họa: Wantchinatimes. |
Cụ thể, tờ South China Morning Post của Hong Kong đã mua 5 hộp sữa công thức được bán tại Trung Quốc gồm 3 thương hiệu trong nước và 2 thương hiệu ngoại; kèm theo đó là 2 hộp sữa ngoại bán tại Hong Kong.
Kết quả có 3 nhãn sữa bị phát hiện chứa khoảng 0,4-0,6g chất béo dạng trans trên 100g sữa bột. Trong đó gồm sữa Baby Club của Beingmate, Super của Synutra và Gold của Yili. Trên nhãn sữa không hề ghi thành phần này. Thực tế, Trung Quốc chưa quy định trên bao bì phải ghi thành phần về chất béo này.
Theo các chuyên gia, mức độ chuyển hóa của chất béo này trong sữa công thức vẫn đảm bảo độ an toàn theo quy định của Trung Quốc cũng như quốc tế.
Ông William Chui Chun-ming, Chủ tịch Hội Dược sĩ Hong Kong cho rằng: "Sẽ an toàn hơn nếu tiêu thụ lượng chất béo trans ở mức tối thiểu, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Với trẻ sữa bột là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng và nếu uống hằng ngày thì lượng tiêu thụ chất béo này ở trẻ có thể cao".
Giáo sư Ellis Hon Kam-lun, chuyên nhi khoa thuộc Đại học Trung Quốc giải thích, nếu chất béo dạng trans chiếm phần nhiều trong tổng lượng chất béo đưa vào cơ thể thì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt vào não trẻ. Nếu tiêu thụ nó trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh về tim và tuần hoàn.
Chất béo này có thể có tự nhiên trong thực phẩm hoặc xuất hiện trong quá trình chế biến. Theo tiêu chuẩn của Ủy ban Codex, giới hạn chất béo dạng trans trong sữa công thức của trẻ không quá 3% tổng số chất béo có trong sữa. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ cũng khuyến cáo lượng chất béo trans không quá 0,5g cho mỗi khẩu phần ăn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 0,2g chất béo dạng trans mỗi ngày.
Phương Trang