Nhóm nghiên cứu đến từ đại học Havard nhấn mạnh, vẫn còn quá sớm để khẳng định hai bệnh nhân trên đã được chữa khỏi hoàn toàn HIV. Tuy nhiên kết quả ghi nhận lần này là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy virus HIV không còn tồn tại trong máu của bệnh nhân trong một thời gian dài sau khi kết thúc điều trị bằng thuốc.
Nhà nghiên cứu Timothy Henrich phát biểu về kết quả điều trị HIV bằng phương pháp cấy ghép tủy. Ảnh: Foxnews. |
Hai nhà nghiên cứu, Timothy Henrich và Daniel Kuritzkes thuộc phân viện Brigham và Bệnh viện Phụ nữ ở Boston công bố báo cáo cho biết, mẫu máu của 2 bệnh nhân nhiễm hiv này đều cho thấy họ bị bệnh ung thư máu. Các bác sĩ đã tiến hành cấy ghép tủy để chữa bệnh ung thư máu từ các tế bào khỏe mạnh của người hiến tặng.
Kết quả khi điều trị xong bệnh ung thư máu, trong vòng 8 tháng liên tiếp sau đó không còn thấy dấu hiệu virus HIV trong máu của các bệnh nhân nữa. Suốt thời gian này họ vẫn còn dùng thuốc kháng HIV.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu bệnh nhân đầu tiên ngưng sử dụng thuốc điều trị kháng virus HIV cách đây 15 tuần, bệnh nhân thứ hai ngưng vào 7 tuần trước. Hôm 3/7, báo cáo tại hội nghị quốc tế về AIDS ở Malaysia, nhà nghiên cứu Henrich cho biết kết quả kiểm tra mẫu máu của 2 bệnh nhân trên không thấy dấu hiệu của virus HIV xuất hiện trở lại.
“Các bệnh nhân cảm thấy sức khỏe rất tốt. Kết quả này thật tuyệt vời. Tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng họ đã thực sự thoát khỏi HIV. Câu trả lời sẽ được thời gian kiểm chứng”. Henrich cũng cảnh báo khả năng có thể xảy ra là virus HIV ẩn mình trong các cơ quan khác như gan, lá lách hoặc não. Đến thời điểm thuận lợi chúng có thể hồi phục trở lại.
Để biết chắc chắn kết quả, các nhà khoa học sẽ tiếp tục làm các kiểm tra tế bào, huyết tương và mô của hai bệnh nhân trên ít nhất trong vòng một năm nữa. Việc làm này sẽ giúp vẽ ra một bức tranh toàn cảnh và rõ ràng hơn về tác động đầy đủ của việc cấy ghép tủy trong điều trị virus HIV. Các bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc kháng HIV trở lại nếu có bất kỳ dấu hiệu phục hồi nào của virus.
"Ghép tế bào gốc không phải là một lựa chọn khả thi cho những người nhiễm HIV trên diện rộng vì chi phí cao và tính phức tạp của nó. Tuy nhiên những phát hiện mới này có thể gợi ý một phương pháp tiếp cận mới trong điều trị HIV, thậm chí xóa bỏ hoàn toàn HIV”, Kevin Robert Frost, Giám đốc điều hành của quỹ nghiên cứu về AIDS nhận xét. Người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV là Timothy Ray Brown. Bệnh nhân này đã được điều trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc vào năm 2007. Vị bác sĩ người Đức đã sử dụng tế bào của một người bị đột biến di truyền hiếm gặp có khả năng kháng virus HIV để cấy vào cơ thể Timothy. Kết quả anh đã được chữa khỏi HIV sau 2 năm. Trường hợp thứ hai được báo cáo "gần như" chữa khỏi HIV là một bé gái ở bang Mississippi (Mỹ). Em này bẩm sinh đã nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ. Các bác sĩ cho bệnh nhi sử dụng một hỗn hợp các loại thuốc kháng virus đang được dùng phổ biến hiện nay. Kết quả xét nghiệm máu bệnh nhân sau đó không còn thấy virus HIV nữa. Trường hợp này đang được theo dõi thêm. Thi Trân |