Năm ngoái, từ tháng 8 số bệnh nhi tay chân miệng bắt đầu tăng tốc với 153 ca. Còn trong năm nay, ngay từ tháng 2 con số này đã vọt lên hơn 400 ca, tăng đỉnh điểm vào tháng 3 với gần 900 trẻ bị tay chân miệng. Chỉ riêng trong tháng 9, cả thành phố ghi nhận hơn 620 trẻ mắc.
Dự báo con số này có thể còn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Với sự gia tăng đột biến này, hà nội hiện là địa phương đứng thứ ba cả nước (sau Hải Phòng, TP HCM) về số ca tay chân miệng.
Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn là biện pháp đơn giản phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả. Ảnh: Dương Ngọc. |
Lý giải điều này, ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, xu thế dịch tay chân miệng tại nhiều quốc gia trên thế giới thường diễn ra liên tiếp trong 2 năm và Hà Nội cũng vậy. Năm 2011, dịch xảy ra chủ yếu ở các quận nội thành, trong khi 9 tháng của năm nay dịch tập trung ở các quận huyện ngoại thành như: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì… nơi ít trẻ tới trường mầm non. Các ổ dịch phần lớn xảy ra ở cộng đồng, chỉ 87 trong tổng số hơn 300 ổ dịch là xuất hiện tại trường học.
“Tại các quận, huyện ngoại thành, dịch dễ lây lan do điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, vệ sinh cá nhân còn nhiều hạn chế. Công tác phát hiện bệnh gặp khá nhiều khó khăn do người dân lơ là, nghĩ rằng bệnh nhẹ nên không thông báo”, ông Cảm cho biết.
Tay chân miệng là bệnh do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nốt phỏng, phân của người nhiễm virus (người bệnh và người lành mang trùng và người bệnh). Bệnh chưa có văcxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.
Các biện pháp phòng bệnh tới nay đều không đặc hiệu và hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của cộng đồng. Trong đó nhóm dễ mắc nhất là trẻ dưới 5 tuổi, hoàn toàn chưa có ý thức trong việc tự phòng bệnh. Tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp...
Theo ông Cảm, để phòng bệnh tay chân miệng, người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “3 sạch”, đó là ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch. Cụ thể, chú ý giữa gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân, nước bọt của người bệnh), rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi trẻ bị bệnh cần cách ly 10 ngày.
Tay chân miệng là một trong những bệnh hay gặp ở trẻ nhưng không phải trường hợp nào cũng nhất thiết phải nhập viện. Đến 90% bệnh nhi đều có thể tự khỏi do diễn biến nhẹ, có sự chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý. Vì thế cần phát hiện sớm những trường hợp nặng để cho nhập viện và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Theo các chuyên gia, nếu trẻ sốt, xuất hiện nốt phỏng ở tay chân miệng thì các bà mẹ cũng chưa cần thiết đưa con nhập viện ngay mà cần theo dõi chặt chẽ. Bé dù sốt nhưng vẫn ăn, chơi ngoan thì không nên quá lo lắng, bởi như vậy trẻ có sức đề kháng, bệnh nhẹ sẽ tự khỏi. Nhưng nếu bé sốt cao trên 39-40 độ C, nôn mửa, tiêu chảy, ngủ kém, ngủ hay giật mình, mệt, chậm chạp thì cha mẹ cần đưa đến bệnh viện ngay.
Nam Phương