Chiều 19-5, TS Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc BV Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), cho biết BV vừa cấp cứu một tai nạn hi hữu: Bệnh nhân bị tăm tre xuyên thủng lòng ruột do nuốt tăm lúc đang ngủ.
Sáng cùng ngày, anh DVH (33 tuổi, ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) đến khám bệnh vì đau bụng dữ dội. Trong quá trình nội soi, các bác sĩ phát hiện một tăm tre nằm ngang vùng tá tràng D2, xuyên thủng lòng ruột nửa trong nửa ngoài. Các bác sĩ tiến hành lấy tăm tre ra ngoài qua đường nội soi.
Các bác sĩ phải dùng phương pháp nội soi để lấy tăm ra ngoài.
Anh D. cho biết do có thói quen ngậm tăm tre lúc ngủ nên đã nuốt luôn tăm. BS Trương Ngọc Nhã, Trưởng Trung tâm Nội soi BV Đa khoa Xuyên Á, cho biết BV đã nhiều lần lấy tăm ra khỏi ruột bằng đường nội soi. “Thói quen ngậm tăm lúc ngủ rất nguy hiểm vì dễ dàng nuốt tăm mà không biết. Các trường hợp này nếu sớm can thiệp bằng nội soi thì độ an toàn cao. Nếu phát hiện trễ buộc phải phẫu thuật thì rất nguy hiểm”, BS Nhã nói.
Rõ ràng đây không phải là trường hợp hiếm. Rất nhiều người vừa ngậm tăm vừa lái xe, lau dọn nhà cửa, làm việc... Lại có nhiều người gặm nát cây tăm vào rồi nuốt một phần tăm vào bụng. Đây là tai nạn phổ biến gây tổn thương họng, phổi, đâm thủng thành đại tràng, nặng hơn sẽ dẫn đến biến chứng viêm phúc mạc đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Chưa kể cây tăm nhọn có thể làm tổn thương người khác.
Cách đây không lâu trên các trang mạng nước ngoài có đăng tải một tin khiến rất nhiều người không khỏi đau xót. Bài báo đưa tin rằng: Bà nội cháu bé ăn tối xong và ngậm một chiếc tăm trong miệng để xỉa răng. Sau đó, bà lau rửa cho cháu trai 2 tuổi để cháu đi ngủ. Sau khi lau rửa sạch sẽ và mặc quần áo cho cháu thì cháu liền lao vào đòi ôm bà nội. Thế là chiếc tăm trong miệng bà đâm trúng vào mắt phải của cháu bé này. Bà nội theo phản xạ đã lập tức rút chiếc tăm ra. Thật không ngờ rằng hành động đó đã đem lại thảm cảnh đau xót là cháu bé này bị mù. Bác sĩ cho biết, lẽ ra tổn thương này có thể đã không trầm trọng như thế nhưng bởi vì rút tăm ra nên võng mạc bị tổn thương dẫn đến mắt bị mù.
Cây tăm sắc nhọn có thể làm tổn thương người khác.
Nhiều người lầm tưởng xỉa răng sẽ giúp loại bỏ thức ăn thừa, khiến nụ cười sạch mát hơn. Thậm chí một số người còn tiện tay lấy luôn que diêm hay bẻ ngay chân hương xỉa đi xỉa lại trong răng. Thực ra, đây là thói quen ẩn chứa rất nhiều nguy hại cho sức khỏe răng và lợi.
Tổn hại lợi và xương răng
Khi dùng tăm loại bỏ thức ăn còn vương lại, những chiếc gai gỗ nhỏ trên tăm sẽ chọc vào hàng lợi mềm trên hàm răng. Đôi khi không cẩn thận có thể gây rách lợi, chảy máu. Vi khuẩn trên tăm vào trong khoang miệng từ đó qua vết thương hở mà đột nhập sâu vào lợi, gây viêm tấy.
Nếu thường xuyên phải chịu những tổn hại như vậy, lợi và xương chân răng sẽ dần dần nhỏ lại. Những khe răng của bạn sẽ rộng ra, gây thưa răng mất thẩm mỹ, hơn nữa còn tạo chỗ hở cho thức ăn nhét vào, là nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng. Men răng sẽ bị phá hỏng và răng dễ bị rụng.
Xỉa răng là nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng.
Gây viêm lợi
Khi khe răng rộng, các thức ăn thừa còn bám lại trong kẽ răng tạo thành bựa răng - hình thành môi trường sinh trưởng tốt cho vi khuẩn. Bựa răng kết hợp với các chất khoáng trong nước bọt sẽ đóng thành vôi răng. Lớp vôi này tác động lên men răng cộng thêm sự xâm nhập của vi khuẩn gây viêm lợi, khiến lợi chảy máu và đau nhức kéo dài.
Nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm
Các bệnh về răng tưởng chừng đơn giản, nhưng là một trong những tác nhân khiến bạn có nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều chứng bệnh về huyết áp, tim mạch cũng như ung thư. Các bệnh răng miệng như nướu có thể làm phát sinh viêm không chỉ ở nướu răng mà còn ở hệ tuần hoàn, hậu quả là gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu truyền lên não, từ đó làm suy giảm chức năng nhận thức.
Nuốt phải hóa chất độc hại từ tăm kém chất lượng
Hiện nay những cơ sở sản xuất kém thường sử dụng các hóa chất tẩy để làm trắng tăm. Những hóa chất không có nguồn gốc này theo đường nước bọt mà đi vào cơ thể, lâu ngày tích tụ sẽ gây hại cho sức khỏe. Một số loại hóa chất tẩy trắng còn có nguy cơ gây ung thư cao.