Tác động của tia cực tím lên da
Mặt trời đem lại ánh sáng, hơi ấm và bức xạ cực tím. Đây là nguồn năng lượng sống cho tất cả sinh vật trên Trái Đất, nếu không có mặt trời sự sống sẽ không còn tồn tại. Tiếp xúc với tia cực tím cũng giúp cho cơ thể người tổng hợp vitamin D, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển xương, hoạt động hệ miễn dịch và tạo tế bào máu.
Tuy nhiên, tia cực tím cũng là một mối quan tâm của sức khỏe cộng đồng. Việt Nam là một trong những nước có chỉ số cực tím rất cao quanh năm, nhất là những tháng hè. Đặc biệt, những năm gần đây thời tiết nắng nóng bất thường nên ảnh hưởng của tia cực tím nói riêng và thời tiết nói chung lên da là một vấn đề rất được quan tâm.
Tiếp xúc tia cực tím quá mức trong thời gian ngắn gây nám da, bỏng nắng, đau rát và ở những trường hợp nặng da có thể bị phồng rộp. Tiếp xúc lâu dài với tia cực tím làm biến đổi kết cấu và giảm độ đàn hồi da, dẫn đến các biểu hiện lão hóa sớm như nếp nhăn, chùng da, túi mỡ, sạm da, đồi mồi, tàn nhang..., trong đó biến chứng lâu dài và nguy hiểm nhất là ung thư da.
Mùa hè là thời điểm xuất hiện nhiều bệnh về da. Ảnh: myadvancedderm |
Các biện pháp ngăn ngừa tác hại của tia cực tím
Nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng từ 10h sáng đến 4h chiều vì đây là khoảng thời gian có lượng tia cực tím mạnh nhất. Đội nón rộng vành, đeo khẩu trang, mặc áo quần dài tay và tốt nhất là sử dụng kem chống nắng khi có việc phải ra ngoài trời nắng.
Nên sử dụng loại kem chống nắng phổ rộng, có tác dụng bảo vệ cả tia UVA lẫn UVB và có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. Bôi kem chống nắng 20 phút trước khi ra ngoài trời, lên tất cả những vùng da tiếp xúc với ánh nắng. Nên bôi trở lại sau khi ra mồ hôi nhiều hay sau khi tắm.
Những bệnh da thường gặp trong mùa nắng nóng
Thời tiết nóng, da tiết mồ hôi nhiều tạo môi trường nóng ẩm trên da là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật như vi trùng, vi nấm phát triển từ đó tạo nên các loại bệnh da nhiễm trùng. Ngoài ra, thời tiết nóng, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời cũng là yếu tố thuận lợi làm bùng phát hay nặng thêm các bệnh da có sẵn như mụn trứng cá, lupus đỏ, viêm da cơ địa…
Nấm da là một bệnh lý ngoài da rất thường gặp ở nước ta. Bệnh có thể được biểu hiện dưới rất nhiều hình ảnh khác nhau. Các biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ở nhiều nơi như da, niêm mạc, tóc và móng. Có 3 thể bệnh nấm da thường gặp nhất là nấm chân, nấm bẹn và nấm thân.
- Nấm chân
Bàn chân ẩm nóng khi mang giày kín không thay vớ thường xuyên sẽ kích thích phát triển nấm. Nấm chân thường gặp ở nam, ít gặp ở nữ. Trường hợp nặng có thể bị bội nhiễm vi khuẩn có mụn mủ, bóng mủ, sưng tấy bàn chân, sốt.
- Nấm bẹn
Thường xuất hiện khi nắng nóng, vào mùa hè, khi thường xuyên đổ mồ hôi nhiều hay mặc đồ ẩm ướt. Nam thường bị nhiều hơn nữ, trẻ em ít bị. Tổn thương thường gặp ở nếp gấp hai bên đùi, đó là các đốm tròn, rìa có mụn nước, vùng trung tâm ít mụn nước hơn. Từ một bên bẹn, nấm lan sang bên kia lên mông, thắt lưng...
- Nấm thân
Có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi. Biểu hiện khác nhau với những tổn thương có kích thước, độ nặng và độ sâu khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và chủng nấm khác nhau. Hồng ban giới hạn rõ hình tròn, bầu dục, có mụn nước ở rìa, trung tâm lành. Ngứa nhiều khi ra nắng, khi ra mồ hôi.
Nói chung, để giảm nguy cơ bị nấm da, cần thay đổi quần áo hằng ngày, tránh mặc đồ ẩm; lau thật khô sau khi tắm, nếu có thể quạt khô vùng da nách, bẹn; thay vớ mỗi ngày, tránh đi chân không. Không tắm giặt chung, mặc chung quần áo với người bị bệnh. Ủi mặt trái quần áo để tránh tái phát. Điều trị bằng thuốc kháng nấm tại chỗ và toàn thân tùy theo mức độ nặng nhẹ của tình trạng nhiễm nấm.
- Viêm kẽ
Đây là bệnh lý ngoài da rất thường gặp vào mùa nóng ẩm, ở những người béo phì và trẻ em mập mạp, ra mồ hôi nhiều. Bệnh đươc biểu hiện đầu tiên là tình trạng đỏ ở các nếp kẽ (dân gian gọi là hăm), giới hạn tương đối rõ, sau đó có thể rỉ dịch, nung mủ, tạo cảm giác ngứa và đau rát. Vị trí thường gặp ở các nếp gấp như nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, có khi ở rốn, các khuỷu tay, chân, kẽ ngón tay, kẽ ngón chân...
Trong việc điều trị, tùy theo mức độ, chúng ta có thể sử dụng một số loại thuốc bôi như bột Talc để làm khô da, dung dịch castellani, eosine 2% hoặc milian chống nhiễm trùng, kết hợp với việc sử dụng kháng sinh, kháng dị ứng qua đường uống khi cần. Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh, tắm rửa hợp lý, giữ các nếp kẽ tay, kẽ chân, các nếp da luôn khô ráo, thoáng mát, sẽ có ý nghĩa tích cực trong việc phòng bệnh, đặc biệt đối với làn da của trẻ em trong mùa hè, nóng ẩm.
- Chốc
Là bệnh nhiễm trùng da, thường xảy ra ở trẻ em. Biểu hiện là mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh sau thành mụn mủ, rồi bể và khô đi, đóng mày. Phòng bệnh bằng cách vệ sinh cơ thể hằng ngày; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và các vitamin cần thiết.
- Viêm nang lông
Biểu hiện với những mụn mủ, sẩn ở nang lông chung quanh có quầng viêm đỏ xuất hiện ở các vùng có lông. Bệnh thường gây ngứa và hay tái phát. Phòng ngừa bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh gây tổn thương da; ăn đầy đủ rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo, chất ngọt. Khi mới bị trầy xước, nhiễm trùng thì rửa sạch, bôi thuốc sát trùng. Nếu sau vài ngày không bớt nên đến chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng cách.
- Rôm sẩy
Là một bệnh rất thường gặp vào mùa hè, với thời tiết nắng nóng, do sự tăng tiết và ứ đọng mồ hôi, tạo nên phản ứng viêm nhiễm trên da.
Bệnh thường gặp ở trẻ em, với biểu hiện là những mụn nước nhỏ li ti, khu trú chủ yếu ở trán, cổ, ngực, lưng. Các mụn nước vài ngày sau vỡ ra, để lại các vảy nhỏ trên da.
Rôm sảy xuất hiện nhiều ở các trẻ em không được tắm rửa hằng ngày, hoặc quấn tã lót quá nhiều, hoặc ở những trẻ mới sinh được người nhà có thói quen cho nằm than, hay nằm lửa. Bệnh rất dễ gây một số biến chứng viêm da, nhiễm trùng, nung mủ. Để khắc phục tình trạng trên, cần tạo môi trường thoáng mát, sạch sẽ, khô ráo, tắm rửa đều đặn và hợp lý. Có thể tắm với dung dịch thuốc tím pha loãng 1/10.000, hoặc bôi các chế phẩm làm dịu da. Trong trường hợp ngứa nhiều, có thể sử dụng thuốc kháng dị ứng thích hợp. Nếu có viêm nhiễm, nung mủ, cần phải được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa da.
Bệnh ngoài da mùa nóng thường không nặng nhưng diễn tiến nhanh trong môi trường ẩm ướt và bội nhiễm nặng do thiếu vệ sinh. Do đó, cần giữ cơ thể khô, thoáng vào mùa nắng nóng, tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm phát triển trong môi trường ẩm. Cần có chế độ ăn uống hợp lý, nhiều rau quả, tránh các thức ăn kích thích, cay nóng. Tăng cường vệ sinh thân thể, giữ da khô thoáng, sạch sẽ. Mặc quần áo rộng, thoáng, thấm mồ hôi, ưu tiên đồ sáng màu để tránh bắt nắng. Cần sắp xếp thời gian làm việc, giảm thời gian lao động trong những ngày nắng nóng. Sử dụng kem chống nắng đều, đúng, đủ. Cung cấp đủ lượng nước hàng ngày để bù đắp cho việc hao tổn nước vì nắng nóng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào
Bệnh viện Da liễu TP HCM