Thông tin do giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ tại hội thảo về bệnh tay chân miệng diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 4-5/4.
Tại Việt Nam, dịch tay chân miệng bắt đầu tăng cao trong những năm 2011, 2012 và tiếp tục đà này đến năm 2013. Trong đó, số ca bệnh tập trung chủ yếu ở khu vực phía nam, có thời kỳ đỉnh dịch lên tới 20.000 ca mỗi tháng, trong khi tại các khu vực phía bắc chỉ có 2.000.
Bệnh hiện có bệnh nhân nhiều thứ 2 trong 10 bệnh có số mắc cao nhất tại nước ta và tử vong cũng đứng thứ ba trong 10 bệnh có ca tử vong cao nhất. Trẻ mắc tay chân miệng tử vong chủ yếu dưới 3 tuổi (chiếm 86%) và chủng virus gây bệnh chủ yếu là ev71 (hơn 80%).
Các chuyên gia dự báo trong năm nay, dịch tay chân miệng vẫn diến biến hết sức phức tạp. Ảnh: Dương Ngọc. |
Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng cho biết, trong năm 2013, bệnh tay chân miệng vẫn có diễn biến phức tạp trên diện rộng. Lý do, nguyên nhân gây bệnh là virus đường ruột, lây lan theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Có nhiều tuýp virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp khác nhau. Bệnh lưu hành rộng ở các địa phương trong nước và quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, hiện hiện chưa có văcxin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo dõi các trường hợp nhập viện, các chuyên gia y tế đã phát hiện có sự thay đổi về triệu chứng, bệnh cảnh lâm sàng. Nếu như trước đây triệu chứng bệnh thường biểu hiện rõ là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và niêm mạc miệng, thì nay nhiều trẻ bị bệnh không bộc lộ rõ ràng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện mắc bệnh, tiến sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.
Cũng theo tiến sĩ Hải, trong số trẻ nhập viện Nhi Trung ương do tay chân miệng thì có tới 75% hoàn toàn không có yếu tố dịch tễ là từng tiếp xúc với bé mắc bệnh. Ðiều này cho thấy trẻ lây bệnh từ người lớn, nhất là từ người chăm sóc và tiếp xúc thường xuyên với bé chiếm tỷ lệ rất cao. Hiện kiến thức phòng bệnh của nhóm này còn rất thiếu.
Theo thống kê của ngành y tế, có đến 38% người dân hiểu sai về bệnh, thậm chí 31% không biết về bệnh tay chân miệng. Gần 23% không biết các biện pháp phòng bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cũng cho biết, hiện công tác truyền thông phòng chống bệnh chưa hiệu quả, chỉ tập trung chủ yếu vào mức độ trầm trọng của bệnh dịch và đưa việc trẻ đến bệnh viện khám khi có triệu chứng bệnh. Điều này tạo tâm lý lo sợ cho người dân, gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên mà chưa tác động nhiều đến thay đổi hành vi của nhân dân.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ tử vong là do bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác như viêm phổi, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, nhiễm trùng huyết, sốt xuất huyết. Khoảng 40% số ca tử vong do chuyển viện không an toàn và đến bệnh viện trong tình trạng đã quá nặng.
Các bác sĩ khuyến cáo khoảng 90 đến 95% trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi. Vì thế với trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ, cha mẹ nên chăm sóc tại nhà. Khi bé có biểu hiện sốt cao từ 39 đến 40 độ, nôn, tiêu chảy, ăn ngủ kém, ngủ hay giật mình thì nên đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Việt Nam đang triển khai việc nghiên cứu và phát triển văcxin EV71. Trong khi chờ đợi, để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 2 lần trong ngày. Đồng thời cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa, bát, tránh tiếp xúc gần với bé đã mắc bệnh… Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh truyền thông đến các bà mẹ, hộ gia đình có trẻ dưới 3 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ mẫu giáo…
Nam Phương