Phẫu thuật ung thư phổi cho 1 bệnh nhân tại BV Ung bướu TP HCM. |
So với thập niên trước đây thì ngành ung bướu rõ ràng đã có nhiều bước tiến đáng kể. Bên cạnh kỹ thuật y khoa cho phép phát hiện sớm ung thư, những phương pháp trị liệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị được cải tiến liên tục khiến hiện nay nhiều loại ung thư không còn là bệnh nan y. Tuy vậy, bất chấp điều này, tỷ lệ tử vong do hậu quả của u bướu ác tính nói chung vẫn còn cao. Vì sao vậy?
Rõ ràng hiệu quả của liệu pháp điều trị ung thư còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nằm ngoài tầm tay của người thày thuốc, từ tính cảm ứng của mỗi cá nhân cho đến khả năng tài chính của người bệnh. Trong trường hợp thuận lợi, hy vọng sống sót của người bệnh cũng còn tùy thuộc vào mức độ di căn của ung thư.
Với người bệnh đã điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị thì hầu hết trường hợp tế bào di căn đã nằm sẵn đâu đó chực chờ để phát triển. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để tế bào ung thư đó tuy có nhưng không thể tập trung đủ lực lượng để hình thành u bướu thứ cấp, không thể chống lại sự kiểm soát của lực lượng kháng bệnh thường là đủ mạnh trong cơ thể của người đã một lần mang bệnh.
Trong nhận thức đó, nhiều nhà điều trị từ lâu đã cổ động cho biện pháp ứng dụng hoạt chất từ dược liệu thiên nhiên trong phác đồ điều trị hậu ung thư để qua đó nhanh chóng xây dựng tác dụng chống thiếu máu, tăng số lượng tiểu cầu, ổn định kháng thể, bảo vệ cấu trúc tế bào, tăng nhanh tiến trình phục hồi và cải thiện tổng trạng.
Theo PGS Nguyễn Thị Bay, Phó Khoa Y học Cổ truyền, ĐH Y Dược TP HCM, Đông y góp phần không nhỏ. Việc sử dụng dược liệu làm thuốc trong điều trị ung thư có thể tóm tắt theo hai hướng:1. Sử dụng một dược liệu làm thuốc thông qua chiết xuất thành phần hợp chất trên một loại cây cỏ nào đó có tác dụng chống khối u: Khuynh hướng này đang được các nhà khoa học nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Những cây cỏ dùng làm thuốc theo dạng này hoặc đã được dùng trên lâm sàng như Vinblastin và Vincristin từ lá dừa cạn dùng trị bệnh bạch cầu ở trẻ em, Taxol từ cây thông đỏ dùng trị ung thư vú, hay Acetogenin chiết từ hạt của trái mãng cầu bình bát trị ung thư hạch...; hoặc có tác dụng trên mô hình dược lý thực nghiệm ung thư như nga truật, hà thủ ô trắng, tam lăng, bán hạ... có tác dụng ức chế hoạt tính của tế bào ung thư; hay bạch hoa xà thiệt thảo, bạch cập, khổ hạnh nhân... có tác dụng kháng ung thư...
2. Sử dụng các bài thuốc cổ phương: Mỗi bài thuốc được cấu tạo trên cơ sở dược lý Đông y có vị chủ dược đóng vai trò chính trong điều trị ung thư, các vị khác để hỗ trợ cho vị thuốc chính, hoặc điều trị các triệu chứng kèm theo của bệnh chính hoặc các tác dụng phụ do thuốc gây ra, nhằm tái lập quân bình trên mỗi cơ địa khác nhau.
Một số công trình nghiên cứu mở, không đối chứng, trên các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối (giai đoạn mà các nhà lâm sàng y học phương Tây kết luận không còn khả năng can thiệp) của Học viện Trung y Quảng Châu, Bệnh viện Long Hoa thuộc Trường Trung y Thượng Hải cho thấy việc dùng các bài thuốc như Tiên ngư thang trên 95 bệnh nhân ung thư phổi cho thấy có thể giúp 31 ca sống trên 1 năm, 7 ca sống trên 2 năm, 5 ca sống trên 3 năm, 1 ca sống trên 5 năm; hoặc bài thuốc Dưỡng âm tiêu tích thang, điều trị 147 bệnh nhân ung thư phổi theo biện chứng gia giảm, giúp 42,86% sống trên 1 năm, 12,4% sống trên 2 năm, 5,15% sống trên 3 năm, 1,67% sống trên 5 năm, và thậm chí có 1 bệnh nhân sống trên 10 năm! Kết quả này đã chứng minh cơ sở lý luận của y học cổ truyền thông qua cơ chế tái lập quân bình.
(Theo Người Lao Động)