Người mắc chứng rối loạn lo âu luôn có cảm giác tai họa sắp giáng xuống đầu mình. |
Rối loạn lo âu có những thể chính sau:
Rối loạn lo âu lan tỏa: những người có rối loạn này luôn lo lắng về những điều bất lợi xảy đến với họ hoặc người thân về tổn thất tài chính, sức khỏe, công việc hoặc các mối quan hệ cá nhân. Lo lắng vô lý này thường kèm theo cảm giác lo sợ.
Ám ảnh sợ đặc hiệu: Mỗi người đều có một vài sợ hãi vô lý nhưng ám ảnh sợ hãi cao độ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Thông thường những ám ảnh này xuất hiện trước những sự vật hoặc tình huống đặc hiệu. Người có ám ảnh sợ con chuột sẽ cảm thấy thoải mái khi không có con chuột ở đó. Giống như những người sợ độ cao, nước, chó, khoảng trống... sẽ cảm thấy bình thường khi không phải đối mặt với chúng. Một số người có ám ảnh nặng đến mức di chuyển đến một nơi rất xa để tránh những trường hợp họ buộc phải đối mặt với điều gây sợ hãi ở chốn cũ.
Ám ảnh sợ xã hội: Người có ám ảnh sợ xã hội lo rằng người khác sẽ nhận xét mọi thứ họ làm là sai. Họ tin rằng họ sẽ bị coi là nhơ nhuốc và bỏ đi nếu bất kỳ sự kém cỏi nào của họ bị phát hiện. Họ phải cố gắng làm mọi thứ hoàn hảo, hạn chế việc làm trước mặt người khác, đặc biệt ăn, uống, nói, viết, thậm chí dần dần giảm giao tiếp với người khác.
Rối loạn ám ảnh cưỡng bức: Ám ảnh cưỡng bức luôn liên quan đến những ý nghĩ cưỡng bức và thường dẫn đến hành vi nghi thức nhằm cố gắng kiềm chế và xua đuổi những ý nghĩ ám ảnh dai dẳng. Những nghi thức thường tốn nhiều thời gian và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: có người luôn phải rửa tay hoặc liên tục quay về để xem đã khóa cửa hay tắt bếp chưa. Những người có rối loạn này thường xấu hổ giữ kín chuyện ngay cả với người nhà.
Rối loạn stress sau sang chấn: Nhiều người trải qua những chấn thương lớn như chiến tranh, tra tấn, tai nạn giao thông, hỏa hoạn hoặc tội ác, họ vẫn cảm thấy lo sợ sau khi sự kiện qua đi đã lâu. Họ có thể trải qua những ác mộng, hồi ức nhiều năm nhưng lại thường xuất hiện do những vấn đề liên quan đến sự việc đã trải nghiệm.
Ám ảnh sợ khoảng trống: Nếu cho rằng đây là một sự sợ hãi khoảng không gian rộng sẽ không chính xác. Ám ảnh sợ khoảng trống là sự sợ hãi hơn khi ở những nơi hoặc những tình huống mà có thể khó hoặc lúng túng để thoát khỏi, hoặc ở đó không có sự giúp đỡ. Người bị ám ảnh sợ khoảng trống có thể thấy dễ chịu khi ở nơi được an toàn, ở đó có vợ, chồng, con cái, bạn bè và thậm chí chỉ có một con chó cảnh hoặc có thuốc mang theo mình.
Bệnh thường khởi phát giữa tuổi 15-20 hoặc giữa 30-40 tuổi, nữ nhiều hơn nam. Nếu không được điều trị, ám ảnh sợ khoảng trống có thể trở nên dai dẳng và là trạng thái mất khả năng làm việc nhất, gây nhiều đau khổ, buồn rầu.
Rối loạn hoảng sợ (có hoặc không kèm ám ảnh sợ khoảng trống): Những người này có những cơn hoảng sợ kịch phát trong những tình huống mà hầu hết mọi người không sợ.
Cơn hoảng sợ thường xuất hiện đột ngột và có thể làm bệnh nhân thức suốt đêm, không xác định được nguyên nhân khởi phát. Những cơn này kèm theo tất cả các triệu chứng cơ thể của lo âu: bệnh nhân tái xanh, thở hổn hển, run, vã mồ hôi, kích động hay mệt lả; nhịp tim nhanh; co thắt lồng ngực: chóng mặt, buồn nôn, nhìn mờ, giãn đồng tử phản ứng. Đây là một lo sợ vô cớ dao động, không đối tượng, người bệnh có cảm giác nguy hiểm hay cảm giác sắp chết, sợ chết hay sợ điên loạn, sợ mất tự chủ.
Điều trị rối loạn lo âu:
Nếu không điều trị, rối loạn lo âu nặng có thể gây ra đau đớn và buồn rầu, đòi hỏi phải được điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân cần được các nhà chuyên môn như các bác sĩ đa khoa, các nhà tâm thần học thăm khám và cho chỉ định điều trị.
Có một số cách làm giảm lo âu nhẹ:
- Nói với người khác về cảm giác của mình.
- Ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí hợp lý, thường xuyên tập thể dục, thể thao (những điều mà người rối loạn lo âu thường bỏ qua). Đôi khi chỉ việc ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, tập luyện đều đặn hằng ngày sẽ tạo nên một chuỗi các yếu tố giúp lành bệnh.
- Thư giãn, dưỡng sinh luyện tập, thở khí công rất có lợi cho việc trị bệnh.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Sức Khỏe và Đời Sống