Trứng gà giúp bồi bổ khí huyết. |
Ở tuổi vị thành niên, kinh nguyệt bị rối loạn trong 1-2 năm đầu là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, đó cũng có thể là biểu hiện của các tình trạng như: quá trình phát dục của cơ thể gặp trở ngại, rối loạn nội tiết, dinh dưỡng không đầy đủ, mắc một số căn bệnh...
Có thể nhận biết kinh nguyệt có bình thường hay không dựa vào đặc điểm chu kỳ kinh, lượng huyết, màu sắc và chất huyết. Kinh nguyệt được coi là bình thường nếu chu kỳ ổn định, lượng huyết vừa phải, sắc đỏ thẫm (lúc đầu sắc nhạt, sau đậm dần, cuối cùng hồng nhạt), không quá đặc hoặc quá loãng, không vón cục hay có mùi khác thường.
Các trường hợp kinh nguyệt rối loạn được chia thành 3 loại:
- Kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường 7-8 ngày, hoặc 1 tháng hành kinh đến 2 lần, thường gọi là kinh đến trước kỳ.
- Kinh nguyệt đến chậm hơn bình thường 7-8 ngày, hoặc 40-50 ngày mới hành kinh một lần, thường gọi là kinh nguyệt đến chậm, kinh đến muộn.
- Kinh nguyệt đến khi sớm khi muộn không có quy luật, lượng huyết cũng lúc nhiều lúc ít, thường gọi là kinh nguyệt bất định, hoặc chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.
Để chữa trị, có thể căn cứ vào các chứng trạng cụ thể của bản thân, tùy theo khẩu vị mà lựa chọn và sử dụng các món ăn - bài thuốc sau:
- Hoàng kỳ 20 g, đương quy 15 g, kê huyết đằng 12 g, trứng gà 2 quả, đường đỏ vừa đủ. Cho tất cả vào nồi, đổ ngập nước, nấu đến khi trứng chín. Bỏ bã thuốc, bóc bỏ vỏ trứng, thêm đường đỏ vào đun sôi nhỏ lửa trong 10 phút là được. Ăn trứng và uống nước thuốc (chia 2 lần ngày).
Tác dụng: Bổ khí huyết, điều hòa kinh nguyệt. Dùng cho trường hợp cơ thể phát dục chưa đầy đủ, khí huyết còn non yếu. Biểu hiện: Kinh kỳ thất thường, trong hoặc sau khi hành kinh 1-2 ngày thấy bụng đau nhấm nhói, xoa nắn thì đỡ, lượng huyết ít, chất huyết loãng, nhợt; người mệt mỏi, kém ăn, da xanh nhợt, mất ngủ, tim thỉnh thoảng đập dồn từng cơn.
- Ích mẫu thảo 30 g, hương phụ (củ gấu) 20 g, trần bì (vỏ quít để lâu ngày) 10 g, trứng gà 2 quả, đường đỏ vừa đủ. Sắc và uống giống như bài 1.
Tác dụng: Thanh can, hoạt huyết, giải uất; dùng cho trường hợp rối loạn kinh nguyệt do can uất. Biểu hiện: Kinh kỳ không có quy luật, hay lo buồn, dễ cáu giận, trước hoặc trong khi hành kinh thấy bụng trướng đau, lượng huyết lúc ít lúc nhiều, sắc huyết tối.
- Ích mẫu thảo 30 g, sơn tra 15 g, hồng hoa 5 g, trứng gà 2 quả, đường đỏ vừa đủ. Sắc và uống giống như bài 1.
Tác dụng: Hoạt huyết, hóa ứ và giải uất; dùng cho trường hợp rối loạn kinh nguyệt do can uất, huyết ứ. Biểu hiện: Kinh kỳ không có quy luật, trong hoặc trước khi hành kinh 1-2 ngày thấy bụng dưới trướng đau, lượng kinh ít, sắc tối, vón cục.
- Gừng tươi 15 g, quế chi 10 g, ngải cứu 10 g, trứng gà 2 quả, đường đỏ vừa đủ. Sắc và uống như bài 1.
Tác dụng: Ôn kinh, tán hàn; thích hợp với những người bị ngưng trệ khí huyết do ngấm nước mưa, cảm lạnh trước hoặc trong khi hành kinh. Biểu hiện: kinh đến muộn, sợ lạnh; trước hoặc trong khi hành kinh thấy bụng lạnh và đau, chườm nóng thì thấy dễ chịu; lượng kinh ít, chất huyết loãng, sắc tối.
Lưu ý: Các món ăn bài thuốc trên có hiệu quả tốt đối với những trường hợp rối loạn kinh nguyệt tương đối nhẹ. Nếu bệnh nặng và kéo dài, cần đến bệnh viện để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó mới có thể tìm ra phương pháp chữa trị hữu hiệu.
Lương y Thái Hư, Sức Khỏe & Đời Sống