Sự căng thẳng thái quá trong học tập tác động xấu đến sức khỏe tâm thần. |
Trong các ca bệnh kể trên, phần lớn là học sinh nữ. Hơn một nửa trường hợp trước đó đã phải cấp cứu một lần với các biểu hiện tương tự, phần lớn được chẩn đoán là rối loạn tuần hoàn não, được điều trị theo hướng này và nhanh chóng xuất viện.
Ngoài trường Võ Giữ, gần đây, tại một số trường học ở miền Trung, Đông Nam Bộ và ĐBSCL cũng có nhiều học sinh nhập viện do hội chứng phân ly.
Thạc sĩ Đào Trần Thái, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần học Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, rối loạn phân ly (RLPL) là một dạng của ám thị, hậu quả của sự quá tải. Nó là một dạng bệnh tâm thần kinh, có liên quan đến các chấn thương tâm lý, thường gặp nhất ở lứa tuổi 15-17. Đặc trưng của RLPL là có thể gây phản ứng dây chuyền, khiến nhiều người cùng mắc.
Chẳng hạn, học sinh A dù đã cố hết sức nhưng vẫn không giải quyết được hết bài vở và rơi vào tình trạng quá tải, chán nản cực độ, sợ đến lớp. Nếu bị cha mẹ và thầy cô thúc ép, em sẽ không còn chỗ dựa tinh thần và phải tìm một cách nào hợp lý nhất để tránh đi học. Tâm lý dựa vào bệnh tật xuất hiện... Khi thấy em giải quyết được bức xúc bằng cách đó, nhiều em khác cũng “bắt chước” theo, dẫn đến là hàng loạt em cùng bị.
Theo thạc sĩ Thái, ngoài lý do quá tải trong học tập, hội chứng RLPL còn có thể do một số số chấn thương tâm lý khác gây ra.
RLPL xảy ra thường có diễn biến tuần tự như sau: cơ thể co cứng, lên cơn co giật và sau đó là hôn mê, rất giống với người động kinh lên cơn. Người bệnh động kinh thì có thể lên cơn ở bất kỳ đâu, khi tỉnh lại không hề biết mọi việc đã diễn ra thế nào. Còn người bị RLPL chỉ lên cơn ngất xỉu khi biết có mọi người xung quanh, càng biết có nhiều người chứng kiến thì rối loạn càng có xu hướng kéo dài. Bệnh nhân ngã xuống xỉu từ từ trong tình trạng an toàn chứ không ngã vật ra, không cắn lưỡi hay tiểu tiện ra quần. Nói tóm lại, trong quá trình diễn ra RLPL, bệnh nhân hoàn toàn nhận thức được những gì diễn ra xung quanh. Bệnh thường xuất hiện ở các lớp cuối cấp, năm đầu thi đại học, và thường xảy ra vào đầu giờ truy bài cũ.
Những em cùng mắc hội chứng trên thường ở trong một lớp hoặc một nhóm, có nhân cách dễ bị lệ thuộc vào các tác động bên ngoài. Các em thường có khuynh hướng khi gặp khó khăn thì dồn nén trong lòng, không chịu tâm sự với ai để vơi bớt. Sự dồn nén quá mức dẫn đến sốc.
RLPL ít gây nguy hiểm đến tính mạng vì nó thường xảy ra khi đối tượng biết có người chứng kiến. Bệnh dễ điều trị, chủ yếu là điều trị tâm lý. Việc phòng ngừa là hoàn toàn có thể, bởi trong 4 yếu tố dẫn đến RLPL (di truyền, môi trường gia đình, môi trường giáo dục, môi trường xã hội), có 3 yếu tố có thể điều chỉnh. Chẳng hạn, cha mẹ, thầy cô giáo có thể tạo cho các em một chế độ học tập, sinh hoạt, vui chơi phù hợp với sức lực. Nên gần gũi để động viên các em trong những kỳ học căng thẳng, nhất là với những em bẩm sinh có nhân cách thụ động, dễ bị lệ thuộc bên ngoài, hoặc sinh ra trong gia đình từng có người mắc bệnh tâm thần.
(Theo Người Lao Động)