Người già cần nhớ đeo kính râm khi ra nắng. |
Độ kính lão sẽ tăng cùng với tuổi. Thông thường, người 50 tuổi đeo kính khoảng 2 độ, 60 tuổi đeo kính khoảng 3 độ. Ngoài việc đeo kính, người bị lão thị cần lưu ý đọc sách nơi có đủ ánh sáng, cứ 1 giờ thì nghỉ 5 phút (nhắm mắt nghe nhạc hoặc nhìn vào khoảng không gian xa).
Người cao tuổi cũng thường gặp các bệnh lý về mắt sau:
1. Cườm nước (glaucoma, tăng nhãn áp)
Những người ngoài 40 tuổi nên định kỳ đến bác sĩ nhãn khoa để khám, kiểm tra nhãn áp nhằm phát hiện bệnh cườm nước (nếu có). Căn bệnh này xuất hiện do các tế bào ở trong mắt (vùng bè) bị lão hóa, mất tính đàn hồi, bít kín đường ra của thủy dịch. Thủy dịch không thoát ra ngoài được khiến áp suất trong mắt tăng lên. Mắt người châu Á có góc tiền phòng hẹp nên dễ bị cườm nước.
Ở người cao tuổi, nguyên nhân chính gây cườm nước là do thủy tinh thể có kích thước lớn, gây nghẽn đường thoát của thủy dịch. Nếu không được chữa trị sớm, bệnh sẽ dẫn đến mù lòa.
Để phòng bệnh cườm nước, ngoài việc khám mắt định kỳ hằng năm, người cao tuổi cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao, vận động và xoa mắt để thủy dịch lưu thông, máu chảy đến mắt nhiều, giúp tế bào thần kinh được khỏe mạnh.
2. Khô mắt
Từ tuổi 50, các tuyến nước mắt bắt đầu hoạt động kém. Tình trạng này cũng có thể là hậu quả của việc dùng thường xuyên các thuốc chữa dị ứng, cườm nước, bệnh tim... Khi tuyến nước mắt hoạt động kém, mắt bị kích thích, khó chịu như có cát ở trong.
Chăm sóc: Nhỏ nước mắt nhân tạo thường xuyên, tránh những nơi bụi bặm, không khí ô nhiễm; hạn chế làm việc với màn hình vi tính, không đọc sách trong thời gian quá lâu. Ngoài ra, cần giảm sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây khô mắt; đeo kính mát khi ra nắng, gió.
3. Cườm khô (đục thủy tinh thể)
Đến tuổi 60, nhiều người thấy mắt mờ dần, không đau nhức, đeo kính không thấy sáng, hoặc đang phải đeo kính lão thì nay không phải đeo nữa. Đó là tình trạng thủy tinh thể bắt đầu bị đục hay thay đổi chiết xuất, biểu hiện của bệnh cườm khô.
Khi thủy tinh thể đã bị đục thì cách điều trị duy nhất là mổ để thay thủy tinh thể nhân tạo trong suốt, giúp mắt sáng trở lại. Hiện nay, với kỹ thuật mổ Phaco (làm tan thủy tinh thể và hút ra), việc thay thủy tinh thể được thực hiện rất dễ dàng, không đau, thị lực phục hồi rất nhanh.
4. Suy thoái hoàng điểm
Ở tuổi 65-70 trở đi, vùng hoàng điểm ở võng mạc bắt đầu bị tổn hại, các tế bào tại trung tâm võng mạc suy thoái dần, gây bệnh suy thoái hoàng điểm. Bệnh cũng không gây đau nhức nhưng làm mắt mờ dần theo thời gian. Khi chăm chú nhìn một vật nào đó, bệnh nhân sẽ không thấy gì, hoặc thấy hình ảnh méo mó (chẳng hạn khi nhìn vào vạch kẻ thẳng thì lại thấy cong). Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh này càng lớn.
Hiện ở Việt Nam chưa điều trị được thoái hóa hoàng điểm. Để giúp người bệnh đọc và viết được, có thể dùng kính đặc biệt phóng hình lớn hay máy điện tử chiếu trên màn hình.
Để đề phòng căn bệnh này, người cao tuổi nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, không dùng thức ăn có mỡ động vật; uống vitamin A, C, E và thuốc chống các chất ôxy hóa (selen, kẽm...). Ngoài ra, cần tập thể dục đều đặn, tránh stress, thư giãn tinh thần và đeo kính chống tia cực tím khi ra nắng.
BS Nguyễn Cường Nam, Sức Khỏe & Đời Sống