Kiểm tra sức khoẻ cho một bệnh nhi hư thận. |
Đó là một trong nhiều cháu bé bị hư thận nặng do bố mẹ tự ý cho uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc. Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, cho biết, khoa từng tiếp nhận một số cháu bé bị phù nặng làm tràn dịch ở ổ bụng, nước rỉ ra ngoài phải dùng bông để thấm. Không ít ca nhập viện trong tình trạng sốc (nếu không được xử lý kịp thời sẽ tử vong), tất cả đều do tuỳ tiện dùng thuốc Nam.
Bác sĩ Trần Thị Mộng Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp 4 Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết, hiện chưa có công trình nghiên cứu nào về tác hại của việc dùng thuốc Nam (không có nguồn gốc) để điều trị bệnh thận. Nhưng thực tế cho thấy, những trẻ từng dùng các loại thuốc này đều nhập viện trong tình trạng hư thận rất nặng. Việc điều trị không đúng cách như vậy thường mất khá nhiều thời gian, làm chậm quá trình điều trị chính quy cần thiết nên khi nhập viện, bệnh đã ở giai đoạn nặng, khó đáp ứng điều trị do các tổn thương tiến triển tàn phá thận. Lúc này, bệnh nhân dễ gặp các biến chứng nguy hiểm như cao huyết áp, nhiễm trùng máu, suy thận mạn...
Trẻ hư thận thường có các triệu chứng như phù toàn thân, tiểu ít kèm theo một số thay đổi về sinh hóa (giảm đạm máu, tăng lipit máu, tiểu đạm). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các triệu chứng không rầm rộ mà lại âm thầm nên khó phát hiện. Ở giai đoạn đầu, nhiều trẻ chỉ bị sưng 2 mí mắt vào buổi sáng ngủ dậy, cha mẹ nghĩ là do ngủ nhiều. Một số trẻ bị phù, không kèm theo dấu hiệu khác nên gia đình tưởng lầm là lên cân. Hiện tượng tiểu ít, nước tiểu vàng đậm cũng ít được chú ý. Các bác sĩ tiết niệu khuyên cha mẹ nên để ý theo dõi nước tiểu của trẻ; khi phát hiện bất kỳ thay đổi nào (số lượng, tính chất, màu sắc) thì phải đưa trẻ đi xét nghiệm nước tiểu để phát hiện sớm bệnh hư thận nếu có.
Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, 90% trẻ hư thận có thể hồi phục hoàn toàn, không để lại bất kỳ một di chứng nào. Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân cần kiên nhẫn vì phải dùng thuốc một thời gian dài (khoảng 3-4 tháng) mới thấy rõ tác dụng. Cần cho trẻ uống thuốc đúng liều theo đơn bác sĩ; đưa trẻ đi tái khám định kỳ để biết được đáp ứng của bệnh, tác dụng phụ của thuốc. Khi hết phù, bệnh nhi vẫn phải tiếp tục uống thuốc.
(Theo Người Lao Động)