Đi khám vì chóng mặt, xây xẩm, cô sinh viên sinh năm 1990 được bác sĩ chẩn đoán viêm amidan. Điều trị một thời gian không khỏi, Xinh khám lại và được chuyển thẳng đến Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM với kết luận bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính quái ác. Cánh cửa tương lai với viễn cảnh tươi sáng của ngày ra trường chưa kịp bắt đầu đã vội đóng chặt trước mặt cô gái trẻ.
Thay vì bước vào giai đoạn hóa trị liệu nhanh chóng như những bệnh nhân khác, hơn 1 tháng qua Xinh phải trải qua quá trình điều trị kháng sinh tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho bệnh trĩ và bệnh viêm phổi. Những tác dụng phụ của việc truyền kháng sinh, tiểu cầu, huyết tương liên tục 24/24 giờ khiến cô gái trẻ nôn ói liên tục, kiệt quệ hẳn đi. Hiện các vấn đề nhiễm trùng đã cơ bản tạm ổn, Xinh có thể bắt đầu bước vào giai đoạn hóa trị liệu với những tác dụng phụ nặng nề hơn.
Sau hơn 1 tháng điều trị kháng sinh xử lý nhiễm trùng tiêu tốn hơn 100 triệu đồng, hiện Nguyễn Thị Xinh đã bắt đầu bước vào giai đoạn hóa trị liệu với chi phí tăng gấp nhiều lần. Ảnh: N.H. |
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Tuấn, trưởng khoa Huyết học người lớn, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, người trực tiếp điều trị Xinh cho biết, vì bệnh nhân vừa phải điều trị bạch cầu vừa điều trị song song nhiễm trùng phổi và nhiễm trùng tiêu hóa nên ngoài việc chi phí tăng gấp đôi thì yếu tố nguy cơ cũng tăng gấp 2-3 lần. Với những bệnh nhân mắc bạch cầu dòng tủy khác, xác suất thành công là 70% nhưng riêng trường hợp này, vừa tiến hành hóa trị liệu vừa phải duy trì điều trị kháng sinh thì tỷ lệ thành công giảm còn khoảng 40%. Việc điều trị sẽ có hy vọng tuy thấp nhưng vẫn là hy vọng. Nếu không điều trị thì bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi.
"Trong vòng 3-4 tuần tới sẽ có kết quả của đợt điều trị đầu tiên. Sau đó sẽ có 2 hướng. Hướng lý tưởng nhất là bệnh nhân khỏi bệnh. Hoặc trường hợp thứ hai là bệnh sẽ trở nặng, có diễn biến xấu với nhiều biến chứng và phải tiến hành nhiều biện pháp điều trị phức tạp, với chi phí có thể tốn kém hơn rất nhiều", bác sĩ Tuấn phân tích.
Bệnh ung thư nói chung gây nhiều biến chứng nhưng với bệnh bạch cầu thì sức đề kháng suy giảm nghiêm trọng, đột ngột nên nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Vấn đề nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng phổi với bệnh bạch cầu là rất phổ biến, gây những biến chứng nghiêm trọng, khó xử lý và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu của loại bệnh này.
Không bận tâm về những đau đớn vật vã thể xác, nước mắt cô gái trẻ chỉ chảy dài vì cảm thấy có lỗi với bố mẹ, lo lắng cho 3 đứa em trai, đứa đang theo học năm ba tại ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, đứa kế vừa thi xong đại học và cậu út vừa vào lớp 10.
Luôn tay xoa bóp tay chân con với chi chít các vết tụ máu, bà Nguyễn Thị Sáu, mẹ Xinh cho biết, mỗi lần đem hóa đơn thanh toán viện phí vào là phải giấu kỹ vì Xinh nhìn thấy bố mẹ đi đóng tiền là khóc lóc, đòi không chữa trị nữa. Từ lúc con đổ bệnh, hai vợ chồng bà phải tất bật thay phiên nhau vào Sài Gòn rồi lại về quê tại tại Tam Ngọc, Tam Kỳ, Quảng Nam thu xếp chuyện ruộng đồng. Bà nội của Xinh ở nhà cũng đang ốm nằm viện hơn hai tháng nay.
Còn nước còn tát, bố mẹ Xinh xác định bằng mọi cách phải cứu lấy con. Vừa chăm con vừa lưng còng chạy vạy tiền thuốc men, bán hết tất cả những gì có thể bán, vay mượn được những nơi có thể vay mượn, bao nhọc nhằn hằn sâu trên khóe mắt bậc làm cha làm mẹ vì không biết những ngày sắp tới sẽ phải làm sao với số tiền điều trị lên đến 400-500 triệu đồng.
Theo bác sĩ Trần Quốc Tuấn, bạch cầu dòng tủy là một trong những bệnh máu ác tính, tỷ lệ mắc của bệnh tăng dần theo tuổi. Đây là căn bệnh hiếm gặp, với tỷ lệ khoảng vài người mắc bệnh trên vài trăm nghìn dân số. Dấu hiệu ban đầu của bệnh là cảm giác mệt mỏi, khó chịu, biếng ăn, uể oải, ở trẻ em có thể kèm theo đau nhức xương khớp, đánh răng chảy máu khó cầm, phụ nữ có thể có vấn đề kinh nguyệt, sau đó bệnh nhân xanh xao, tay chân bị bầm máu... Bệnh thường diễn tiến nhanh chóng, cấp thời, khoảng thời gian phát hiện bệnh đến lúc bệnh trở nặng thường rất ngắn. |
Thông tin liên lạc gia đình
Lê Phương