phan hoàng lan dù là công chức nhà nước nhưng lại khá nổi tiếng trong cộng đồng startup Việt Nam. Lan và cộng sự là tác giả của Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844). Có thể coi đây là đề án quốc gia đầu tiên về khởi nghiệp, đánh dấu sự vào cuộc của Chính phủ đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Lan đồng thời là người sáng lập Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Techfest Việt Nam, một sự kiện thường niên kể từ năm 2015. Thông qua sự kiện, khối lượng đầu tư được kết nối tăng từ con số 1,5 triệu USD từ năm 2015 lên khoảng 4,5 triệu USD năm 2017.
Trao đổi với forbes việt nam , nữ công chức 8X cho biết từ thời học sinh, do được tiếp xúc với nhiều anh chị đạt các danh hiệu quốc tế, cô đã đặt ra câu hỏi tại sao người Việt giỏi nhưng đất nước lại chưa phát triển.
Khi học bằng thạc sỹ ngành kinh tế phát triển ở Vương quốc Anh, nhiều giáo trình đề nghị về 2 phương pháp có thể giúp các nước đang phát triển bắt kịp thế giới: thứ nhất, đi học tập kinh nghiệm – kiến thức từ các nước lớn hoặc các doanh nghiệp FDI. Thứ hai, tích cực ứng dụng các kiến thức và phát minh khoa học vào thực tiễn.
Với những điều kiện Việt Nam đang có, theo Phan Hoàng Lan, chúng ta nên chú tâm phát triển phương thức thứ hai.
Phan Hoàng Lan là người sáng lập Techfest Việt Nam
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});- Còn lý do khiến Lan chọn đầu quân làm việc cho Nhà nước thay vì một tổ chức tư nhân nào đó, cũng đặc biệt không kém: "Do sống trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với các vấn đề về hành pháp – lập pháp (ông bà đều làm ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), nên từ nhỏ, tôi luôn ao ước được như ông bà, muốn góp phần tạo ra các chính sách giúp xã hội tốt đẹp hơn", Lan tiết lộ.
Đặc biệt, Lan cũng muốn thay đổi thành kiến tồn tại từ lâu: người Nhà nước ít năng động, luôn không chịu thay đổi. Tuy nhiên, cùng những khó khăn trong công việc, cô còn phải làm nhiều cuộc 'cách mạng' khác mới khiến hình ảnh công chức cơ quan nhà nước tươi sáng hơn trong mắt người dân.
Trong 5 năm tới, Lan cho biết vẫn sẽ tiếp tục công việc là người xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
"Công việc này ở các quốc gia khác thường kéo dài từ 10 – 20 năm, ở Việt Nam còn đang rất sớm nên chắc chắn 5 năm tới còn rất nhiều việc phải làm", Lan nói và cho biết sẽ kết hợp cùng với cộng đồng như trường đại học, vươn ươm để tạo dựng một chương trình tốt nhất cho giới khởi nghiệp Việt.
Đối với làn sóng cách mạng 4.0, Lan cho rằng doanh nghiệp Việt chưa có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật như là sự kết nối, nghiên cứu với trường đại học để có thể hoà vào xu hướng này. Do vậy, các chính sách tiếp theo cần tạo ra sự hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp có thể nắm bắt tốt nhất công nghiệp 4.0.
Nữ công chức này cho biết cô luôn ghi nhớ lời khuyên từ một chuyên gia khởi nghiệp người Mỹ là để trở thành người đổi mới sáng tạo, tốt nhất mỗi ngày đi làm, nên nghĩ rằng mình làm việc cho dù ngày mai bị đuổi đi chăng nữa.
Dù đã bước đầu gặt hái vài thành công, nhưng không vì thế, cô gái 30 tuổi này lại trở nên tự mãn, bởi, Lan biết, con đường đến mục tiêu của cô còn rất chông gai.
Hiện tại, Lan đang tập trung hỗ trợ, nâng cao nhận thức, năng lực cho các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhưng đây là quá trình dài và cần kiên nhẫn.