Một người mẹ đang dỗ con để cậu bé chịu đeo khẩu trang chống SARS. |
Theo tờ nhật báo Ming Pao của Trung Quốc, người mẹ nhập viện Princess Margaret vào 16/3 với các triệu chứng SARS và sức khoẻ của cô suy sụp nhanh chóng chỉ vài ngày sau đó. Trước tình thế này, các bác sĩ buộc phải để đứa trẻ sinh non. Theo lời của một bác sĩ, nếu kéo dài thời gian đến bây giờ, chắc chắn đứa trẻ sẽ chịu chung số phận với người mẹ. Hiện bệnh viện từ chối tiết lộ giới tính và tình trạng sức khoẻ của em.
Hôm qua, Hong Kong có thêm 9 ca tử vong vì SARS. Một điểm đáng chú ý là 4 người trong đó, trước khi nhiễm virus lạ, không có vấn đề về sức khoẻ và mới chỉ khoảng 30, 40 tuổi. Điều này cho thấy số người khoẻ mạnh nhưng không có phản ứng tích cực với phương pháp điều trị SARS đang tăng lên. Thời gian đầu, trường hợp bệnh nặng và tử vong chỉ tập trung ở người già hoặc đang mắc các bệnh kinh niên như đau tim hoặc suy thận. Hiện Hong Kong đã có 56 người chết, chiếm 1/3 số ca tử vong SARS trên thế giới.
Hôm nay, một nhóm chuyên gia của WHO đã đến kiểm tra và gặp gỡ quan chức của 2 bệnh viện quân y ở Bắc Kinh để xác minh lời đồn về số ca bệnh SARS không được báo cáo tại đây. Đại diện của nhóm, ông James Palmer nhận định họ đã nhận được sự hợp tác tích cực từ phía Trung Quốc, nhưng ông không tiết lộ tên của 2 bệnh viện và kết quả điều tra.
Trong khi đó, WHO đã chủ trì một cuộc hội thảo qua điện thoại về một vấn đề nghi ngờ lâu nay: Hiện tượng “siêu lây nhiễm” của một số bệnh nhân SARS - những người có khả năng lây nhiễm cho rất nhiều người khác. Sau cuộc hội thảo, các chuyên gia đã khẳng định: Tất cả bệnh nhân SARS "siêu lây nhiễm" đều nằm trong số người nhiễm virus lạ vào thời kỳ đầu của dịch, trước khi ngành y tế biết phải áp dụng biện pháp đối phó với căn bệnh này như cách ly người bệnh và mang quần áo bảo vệ khi tiếp xúc bệnh nhân. WHO cũng khẳng định không xuất hiện thêm trường hợp "siêu lây nhiễm" nào kể từ khi áp dụng các biện pháp này.
Hiện thế giới đã có 154 ca tử vong và hơn 3.000 người nhiễm SARS. Hiệp hội Hàng không Châu Á Thái Bình Dương, gồm 17 hãng hàng không lớn trong khu vực, cho biết họ đang trong thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước tới nay. Hiệp hội yêu cầu chính phủ các nước nới lỏng hơn lệnh cấm đi lại bằng hàng không trong cuộc chiến với SARS.
Mỹ Linh (theo AP)