Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. |
Nữ bệnh nhân này, 26 tuổi quê ở Sơn Tây, được điều trị tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. Bố mẹ cô cũng đã chết vì SARS. Tuy nhiên, theo ông Meng Xuenong thì: "Cô gái này và một số thành viên gia đình khác hồi phục được và sớm ra viện, nhưng cha mẹ cô đã mất vì tuổi quá cao. Số bệnh nhân nghi nhiễm SARS tại các bệnh viện địa phương đang giảm dần và tình hình cơ bản đã được kiểm soát".
Tiết lộ trên đã khẳng định lại tuyên bố của một bác sĩ tại Viện quân y 301, rằng các quan chức biết về sự tồn tại của SARS ở Bắc Kinh sớm hơn rất nhiều trước khi nó được công bố. Họ đã che đậy thông tin này nhằm tránh ảnh hưởng tới Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC).
Tuần trước, bác sĩ Jian Yanyong đã cho báo giới biết rằng ngay sau khi NPC khai mạc vào ngày 5/3, một người đàn ông đã nhập viện 301. Sau khi được xác định là có nghi nhiễm SARS, ông được chuyển sang viện 302. Tại đây, ông qua đời vào ngày 7/3, kịp truyền bệnh cho 20 bác sĩ và y tá. Vợ của ông cũng nhập viện 302 vì SARS và chết vào ngày 15/3.
"Lúc đó, bộ Y tế đã triệu họp lãnh đạo các bệnh viện. Nội dung chính của buổi họp là khẳng định SARS đã xuất hiện ở Bắc Kinh, nhưng nhằm duy trì trật tự cho NPC, thông tin này không được công bố", bác sĩ Jian Yanyong nói.
Ngày 19/3, AFP đưa tin một cặp vợ chồng đến từ tỉnh Sơn Tây đã chết vì căn bệnh lạ ở Viện quân y 302 tại Bắc Kinh, nhưng các quan chức y tế đã từ chối khẳng định tin này. Đến ngày 26/3, chính quyền Bắc Kinh mới thừa nhận SARS tồn tại trong thủ đô và đã có 3 ca tử vong (NPC kết thúc ngày 18/3).
Đến nay, theo Bộ Y tế Trung Quốc chỉ có 22 người nhiễm SARS ở Bắc Kinh, 4 tử vong. Nhưng một số bác sĩ khác cho biết con số thực tế cao hơn rất nhiều.
Minh Thi (theo AFP)