Người dân ở Hong Kong làm vệ sinh hằng ngày để hạn chế sự lây lan của virus SARS. |
Ông Hitoshi Oshitani, cố vấn về giám sát bệnh truyền nhiễm của WHO, cho biết, thay vì chuột, người ta có thể sử dụng khỉ, nhưng vì con vật này lớn nên quá trình nghiên cứu sẽ phức tạp hơn và chi phí sẽ cao hơn nhiều. Ông giải thích: “Nếu đó là một con thú lớn, như khỉ chẳng hạn, sẽ cần nhiều thời gian để thiết lập mô hình động vật và hiểu được cơ chế gây bệnh của virus”.
Một khó khăn nữa mà các nhà khoa học đang vấp phải là tuy coronavirus liên quan tới SARS nhưng người ta cũng tìm thấy cả những vi sinh vật khác trong các mẫu bệnh phẩm. Điều này khiến việc tìm ra một phương pháp hoàn chỉnh để phát hiện sớm SARS trở nên phức tạp hơn.
3 loại test chẩn đoán then chốt hiện hành đều có những hạn chế và tỏ ra không hiệu quả:
- Để biết bệnh nhân có kháng thể chống SARS hay không (bằng test ELISA), phải đợi ít nhất 2-3 tuần. Tới lúc này, phần lớn bệnh nhân hoặc đã hoàn toàn khỏi, hoặc đã quá rơi vào tình trạng nguy kịch.
- Xác định thành phần di truyền của coronavirus bằng phương pháp PCR (phản ứng chuỗi polymerase) lại không mấy nhạy cảm. Nghiên cứu tại Hong Kong và những vùng có SARS cho thấy, kỹ thuật này chỉ giúp phát hiện 40-50% ca bệnh. Hơn nữa, phần lớn mẫu bệnh phẩm chỉ được lấy từ mũi và họng của người bệnh, chứ không phải từ phổi - nơi virus sinh sôi nảy nở. Còn lấy dịch tiết từ phổi người bệnh lại quá nguy hiểm đối với bác sĩ và y tá.
- Phân lập coronavirus nhờ nuôi cấy tế bào lại tiêu tốn quá nhiều thời gian.
Tuy nhiên, ông Oshitani tỏ ý hy vọng rằng, với sự nỗ lực vượt bậc của các nhà khoa học tại 13 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới, một phương pháp cải tiến dựa trên những kỹ thuật hiện có sẽ được phát triển trong một thời gian ngắn.
Thu Thủy (theo AFP)