Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất đá sạch Ngọc Hường để nền xưởng nhớp nháp, túi nilon đóng bao gói đá thành phẩm đặt trên mặt ghế, chậu bụi bẩn, thậm chí rải cả dưới nền. Phòng ăn của công nhân được bố trí ngay trong nhà xưởng, quần áo treo lủng lẳng bên cạnh dây chuyền sản xuất bừa bộn, mất vệ sinh. Toàn bộ công nhân đang sản xuất, vận chuyển đá thành phẩm đều không có trang phục bảo hộ theo quy định. Xưởng được bố trí chung với kho hàng chứa dây nẹp, dây dán, khóa sắt… nhưng không có vách ngăn cách.
Cả thành phố Hà Nội có 69 cơ sở sản xuất đá viên, nước tinh khiết. Ảnh: Hà An. |
Chủ cơ sở vắng mặt nên chưa xuất trình được bất cứ giấy tờ liên quan. Theo nhân viên của cơ sở, nơi đây sử dụng nước giếng khoan để sản xuất đá viên. Nguồn nước sau khi được lọc thô qua lớp cát sẽ được đưa vào hệ thống máy lọc rồi mới đưa vào sản xuất đá viên.
Đoàn đã lập biên bản tạm đình chỉ sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Đồng thời giao Thanh tra Sở, Phòng Y tế huyện và chính quyền địa phương tiếp tục làm việc với đại diện cơ sở và giám sát. Đoàn cũng lấy mẫu nguồn nước đầu ra và mẫu nước đá viên của cơ sở để kiểm nghiệm chất lượng.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, vào hè nhu cầu sử dụng nước tinh khiết đóng chai, đá viên của người dân tăng cao. Vì vậy, Sở Y tế đã tổ chức các đoàn thanh kiểm tra hoạt động này. Sở cũng thông báo và chỉ đạo các quận/ huyện tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất đá viên, nước đóng chai, xử lý dứt điểm các cơ sở sai phạm.
Cơ sở sản xuất đá viên tinh khiết Xa Phia, cũng ở Trung Văn, Từ Liêm, sạch sẽ hơn và đầy đủ giấy tờ đảm bảo công bố tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cơ sở này có vị trí ngay mặt đường và cạnh một con kênh nước thải.
Theo thống kê, hiện Hà Nội có 69 cơ sở sản xuất đá sạch, nước tinh khiết được công bố tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, số cơ sở sản xuất mặt hàng này thường nhiều hơn và đa phần kinh doanh nhỏ lẻ theo hộ gia đình, nên việc giám sát hoạt động còn nhiều bất cập.
Hà An