Văn hóa chụp ảnh tự sướng hay còn được gọi là selfie, dùng để chỉ thói quen tự chụp ảnh sau đó đăng tải lên các trang mạng xã hội để thu hút sự chú ý của bạn bè ở một bộ phận giới trẻ.
Theo Panpimol Wipulakorn, phó giám đốc Cơ quan Sức khỏe Tâm thần Thái Lan, mặc dù đây là hành vi phổ biến được giới trẻ ưa thích, nhưng nó lại là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong tương lai. Tiến sĩ Panpimol dẫn lời một bác sĩ tâm thần người Mỹ cho biết chụp ảnh tự sướng có thể khiến con người mất dần sự tự tin và lòng tự trọng. Theo các chuyên gia của Anh, nghiện mạng xã hội như Facebook hay Twitter là một loại bệnh và có hơn 100 bệnh nhân phải nhập viện mỗi năm vì căn bệnh này.
Chụp ảnh tự sướng (Ảnh minh họa: nguồn internet).
Để theo dõi mức độ quan tâm của bạn bè, người chia sẻ sẽ thường xuyên kiểm tra số lượng "like" hay bình luận. Đây chính là dấu hiệu cho thấy thói quen chụp ảnh tự sướng trở thành vấn đề gây ảnh hưởng đến tâm lý của con người.
Và điều đáng chú ý cho thấy cứ ba ca phẫu thuật thẩm mỹ thì có một ca được thực hiện dựa trên mong muốn hình ảnh mới của mình nhận được nhiều sự hưởng ứng trên mạng xã hội hơn. 13% trong số 2700 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tham gia vào cuộc khảo sát của Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ (AAFPRS) cũng khẳng định rằng khi số lượng ảnh tự sướng được chia sẻ ngày càng gia tăng thì con người lại càng không hài lòng về ngoại hình của mình. Và đó chính là lí do khiến họ phải cầu viện tới các biện pháp chỉnh sửa.
Chụp ảnh "tự sướng" khiến con người mất tự tin ở ngoại hình, từ đó nảy sinh ra ham muốn phẫu thuật thẩm mỹ.
Trên thực tế, 13% thành viên của AAFPRS cũng xác nhận rằng, khi việc chia sẻ hình ảnh gia tăng, thì số người không hài lòng với vẻ bề ngoài của mình cũng tăng lên. AAFPRS cũng cho biết, các ca nâng mũi tại Mỹ vào năm 2013 tăng 10%, thủ thuật cấy tóc tăng 7% và phẫu thuật cắt mí tăng 6% so với năm trước.
Những người đã bước qua tuổi 30 thường không thích tự chụp ảnh bản thân. Nhưng ngược lại, các cô gái trẻ không cưỡng lại được trào lưu này. Trong năm 2013, hơn một nửa các bác sĩ thẩm mỹ nhận thấy sự gia tăng của trào lưu "dao kéo" ở những người dưới 30 tuổi.