1. Ói mửa
Căng thẳng và lo lắng có thể kích hoạt cơn buồn nôn và gây ra triệu chứng ói mửa, thường bắt đầu vào cùng thời điểm trong mọi ngày. Giải pháp là hãy nghỉ ngơi thật nhiều và uống nước, tìm cách hạ căng thẳng và loại bỏ nguồn gốc gây stress, chẳng hạn đi bộ.
2. Rụng tóc
Có nhiều lý do gây rụng tóc, trong đó stress là một nguyên nhân. Thường thì người ta khó nhận ra mối liên hệ này, bởi hiện tượng rụng tóc xảy ra muộn vài tháng sau sự kiện căng thẳng, chẳng hạn cái chết của người thân trong gia đình hoặc việc sinh con. Tuy nhiên, đa số trục trặc này sẽ tự hết sau khi cơn stress chấm dứt.
3. Chảy máu mũi
Vẫn còn tranh cãi cho rằng liệu chảy máu mũi có phải do stress gây ra hay không, song các nghiên cứu đã chứng tỏ rằng, trong vài trường hợp, những bệnh nhân bị chảy máu mũi về sau cũng thấy họ thường rơi vào các tình huống căng thẳng. Chỉ đơn giản là thoát khỏi sự huyên náo hàng ngày một chút cũng đủ để bạn hạ cơn "bốc hỏa".
4. Mất trí nhớ
Căng thẳng kinh niên có thể khiến vùng não chân hải mã - kiểm soát trí nhớ ngắn hạn của bạn - tiếp xúc quá nhiều với hàm lượng hooc môn stress, và nó làm hạn chế khả năng ghi nhớ. Loại bỏ được gốc rễ stress là tốt nhất, nhưng trong khi chờ được thế, hãy viết ra các thông tin quan trọng và tìm cách khác để "nạp lại" trí nhớ của mình.
5. Hệ miễn dịch yếu đi
Có lẽ ảnh hưởng dễ thấy nhất mà stress gây ra là hệ miễn dịch của bạn yếu đi. Đồng nghĩa với việc bạn dễ mắc bệnh hơn, và mắc bệnh thông thường cũng lâu khỏi hơn. Một cách tốt để đối phó với stress và tăng miễn dịch là tập thể dục.
6. Ra mồ hôi quá nhiều
Bạn toát mồ hôi khi bị căng thẳng, nhưng cũng có một số người mắc bệnh ra mồ hôi quá mức, cần phân biệt tình trạng cụ thể. Nếu là do căng thẳng, hãy thử tập yoga. Nếu do bệnh, hãy gặp bác sĩ.
T. An (theo MNN)