Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội nha khoa Mỹ, 4 triệu người ở đất nước này đang phải đối mặt với vấn đề về hơi thở. Hơi thở có mùi cản trở giao tiếp, khiến bạn mất tự tin và bối rối. Có một số cách đơn giản mà hiệu quả để cải thiện tình trạng này, theo Webmd.
1. Đánh răng thường xuyên
Một trong những nguyên nhân chính gây ra mùi hơi thở là những mảng bám trên răng, nơi ẩn náu của vi khuẩn. Do đó, chúng ta nên đánh răng ít nhất 2 lần một ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày. Nếu bạn còn lo lắng về hơi thở thì có thể đánh răng hay dùng chỉ nha răng thường xuyên hơn một chút nữa, nhưng không nên quá lạm dụng nó. Chải răng quá mạnh làm mài mòn men răng, khiến răng dễ bị tổn thương dẫn đến sâu răng.
Hơi thở thơm tho là một trong những nhân tố làm nên sự tự tin trong giao tiếp. Ảnh: wallstreet |
2. Cạo lưỡi
Lớp phủ bên ngoài lưỡi thường là nơi trú ẩn của những vi khuẩn có mùi hôi. Để giảm tình trạng này, hãy cạo lưỡi một cách nhẹ nhàng bằng bàn chải đánh răng của bạn. Một số người cho rằng bàn chải quá lớn, không thể chải đến phần sau của lưỡi. Trong trường hợp đó, một dụng cụ cạo lưỡi là thích hợp nhất. Các dụng cụ cạo lưỡi này là một loại dụng cụ quan trọng trong chăm sóc răng miệng. Chúng được thiết kế một cách đặc biệt để có thể tạo ra một áp lực nhẹ, đánh bay vi khuẩn, các mảng thức ăn còn bám trên lưỡi và tế bào chết.
3. Tránh những thức ăn làm chua hơi thở
Hành và tỏi là những “kẻ tội phạm” hàng đầu gây mùi hơi thở. Theo nha sĩ Richard Price của hội nha khoa Mỹ, đánh răng sau khi ăn hành hay tỏi không có tác dụng. Một hóa chất dễ bay hơi có trong hai loại thức ăn này sẽ đi vào máu và đến phổi, nơi bắt nguồn hơi thở của bạn. Cách duy nhất để tránh rắc rối là nói không với hành và tỏi, đặc biệt trước khi dự một sự kiện xã hội nào mà bạn cần quan tâm đến hơi thở.
4. Từ bỏ thuốc lá
Hơi thở có mùi hôi là một trong những lý do để từ bỏ thuốc lá. Hút thuốc gây tổn hại đến nướu và làm ố màu răng. Thậm chí, nó còn tăng nguy cơ ung thư về răng miệng. Miếng dán cai nghiện thuốc lá có bán tại các quầy thuốc có thể giúp xoa dịu cơn thèm thuốc. Hoặc, nếu cần thì bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn về các loại thuốc hay chương trình cai nghiện thuốc lá.
5. Dùng nước súc miệng
Ngoài việc làm tươi mát hơi thở, nước súc miệng diệt khuẩn còn đóng vai trò bảo vệ răng miệng bằng cách làm giảm những vi khuẩn trên các mảng bám.
6. Nhai kẹo cao su không đường
Kẹo ngọt chứa nhiều đường thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong miệng và làm tệ hại hơn vấn đề răng miệng mà bạn đang mắc phải. Lời khuyên cho trường hợp này là nhai kẹo su không đường thay vì dùng những loại kẹo bình thường khác. Lý do là kẹo cao su kích thích tiết ra nước bọt, cơ chế bảo vệ tự nhiên của miệng chống lại axit gây mảng bám trên răng, nguyên nhân gây sâu răng và hôi miệng.
7. Cảnh giác với khô miệng
Thiếu nước bọt làm vi khuẩn tích tụ, gây sâu răng và hôi miệng. Nếu miệng bạn bị khô thì hãy uống nhiều nước mỗi ngày. Nhai kẹo không đường cũng là một cách để tăng cường tuyến nước bọt. Nếu miệng bạn vẫn khô thì hãy đến hỏi bác sĩ vì khô miệng này cũng có thể là tác dụng phụ của việc điều trị theo một loại thuốc nào đó.
Phương Lê