Cũng khởi phát với các biểu hiện đỏ, đau mắt nhưng bệnh viêm nội nhãn nguy hiểm hơn đau mắt đỏ rất nhiều. Ảnh minh hoạ: N.P. |
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, riêng ngày 15/9, bệnh viện tiếp nhận 5 trẻ dưới 8 tuổi bị viêm nội nhãn trong tình trạng vô cùng nặng nề, mắt đầy mủ. Các bác sĩ đã lấy mủ xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, tiêm kháng sinh trực tiếp vào mắt nhưng thị lực các bé đã rất kém, chỉ nhận biết được ánh sáng, bóng mờ bàn tay. Trong đó có cháu đến viện vào ngày thứ 2 của bệnh, lâu nhất là bệnh đến ngày thứ 4.
Viêm nội nhãn là các phản ứng viêm trong mắt gây ra bởi quá trình nhiễm khuẩn, hoặc chấn thương các tổ chức, mô trong nhãn cầu. Bệnh thường được chia làm 2 loại: ngoại sinh và nội sinh. Viêm nội nhãn ngoại sinh xuất hiện do các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn… đi vào mắt trực tiếp từ môi trường bên ngoài sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật. Trong khi đó, viêm nội nhãn nội sinh lại xuất hiện bởi vi khuẩn lây lan từ các cơ quan khác của cơ thể theo đường máu.
Như trường hợp 5 trẻ mới nhập viện gần đây, theo bác sĩ Cương đều không do chấn thương mà là viêm nội nhãn nội sinh. Tác nhân gây bệnh lan tràn từ một ổ nhiễm khuẩn từ xa đến khu trú và gây bệnh tại mắt. Bệnh nhân thường là những trẻ ốm lâu ngày, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém.
Bệnh có thể gây mất thị lực trầm trọng cho khoảng 20% bệnh nhân. Sau khi được điều trị, chỉ có khoảng 55% trương hợp đạt được thị lực cuối cùng là 1/10 hoặc kém hơn. Một số trường hợp nặng hơn, mủ ăn lan hết nhãn cầu thì buộc phải bỏ mắt để loại trừ vi khuẩn không lan ra chỗ khác (lên não gây viêm tắc mạch xoang hang, vào máu gây nhiễm khuẩn huyết). Nếu việc điều trị không đáp ứng với kháng sinh, thị lực của bệnh nhân sẽ khó có thể hồi phục.
Thời gian điều trị dài hay ngắn tùy thuộc mức độ trầm trọng của bệnh, tác nhân gây bệnh, đáp ứng của cơ thể đối với bệnh và phương pháp điều trị. Trung bình một đợt điều trị cấp tính khoảng 2-3 tuần. Những di chứng có thể là vẩn đục pha lê thể, tăng nhãn áp, thậm chí bị hỏng mắt vĩnh viễn.
“Bệnh thường xuất hiện nhiều hơn vào mùa thu đông, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở trẻ. Nó có thể diễn diến rất nhanh trong vòng 24 giờ. Có cháu chiều hôm trước bình thường, hôm sau đã mù, mắt ken đặc mủ, ăn hết võng mạc dù chữa được nhưng thị lực khó trở lại bình thuờng”, bác sĩ Cương nói.
Bên cạnh đó, bác sĩ Cương cũng khuyến cáo cần phân biệt triệu chứng của viêm nội nhãn với bệnh đau mắt đỏ. Cả hai cùng có biểu hiện đỏ, đau nhức mắt nhưng nếu là đau mắt đỏ thì có rỉ còn viêm nội nhãn thì không. Thực tế, không ít bệnh nhân thấy mắt đỏ, đau nhức đã tự mua thuốc để điều trị nhưng không đỡ. Khi tới khám, bác sĩ mới kết luận bị viêm nội nhãn và khi đó khả năng chữa trị là rất thấp.
Vì thế, nếu thấy có biểu hiện bệnh ở mắt, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa mắt ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm. Khi đó mủ còn loãng thì có thể tiêm ngay kháng sinh vào nội nhãn, hoặc cắt ngay dịch kính lấy mủ ra rồi đưa kháng sinh vào. Nếu phát hiện muộn, mủ đã đặc lại sẽ co kéo ảnh hưởng đến giác mạc, sẽ khó điều trị.
Phương Trang