Tìm hiểu về hội chứng ngưng thở lúc ngủ
Ngưng thở lúc ngủ là một hội chứng rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở về đêm trong khi ngủ. Hiện tượng ngưng thở chỉ diễn ra từng lúc nhưng có thể dẫn tới thiếu oxy và tăng khí cacbonic trong máu. Nó gây hoạt hóa thần kinh giao cảm, làm co mạch, tăng nhịp tim, dẫn đến tăng huyết áp, suy tim, sung huyết, loạn nhịp tim…, thậm chí là dẫn tới tử vong. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong càng tăng khi số lần ngưng thở trong một giờ nhiều.
Hiện nay, ước tính có khoảng 26% người trưởng thành có nguy cơ cao mắc hội chứng ngưng thở lúc ngủ. Thông thường, đường hô hấp trên sẽ được nâng đỡ bởi các cấu trúc xương nhỏ, sụn bao quanh mũi và vùng hầu họng, giúp đường thở mở ra, không khí được lưu thông. Tuy nhiên, ở những người mắc hội chứng ngưng thở lúc ngủ, các mô mềm như lưỡi và sụn của vùng hầu họng bị tụt vào trong đường thở, kích thước của đường hô hấp trên bị giảm do sự phì đại của các mô mềm. Điều này gây tắc nghẽn lưu lượng khí, cùng với đó là sự giảm tín hiệu thần kinh đến các cơ hô hấp trong lúc ngủ đã dẫn đến chứng ngưng thở.
Những người dễ mắc chứng ngưng thở lúc ngủ nhất là người béo phì, có bất thường về cấu trúc sọ mặt và mô mềm đường hô hấp trên như vị trí, kích thước xương hàm trên, hàm dưới bất thường, phì đại amidan, mô limpho, khoang mũi hẹp… Ngoài ra, còn một số nguy cơ tiềm ẩn khác có thể gây ra chứng ngưng thở lúc ngủ như hút thuốc lá, sung huyết mũi, đái tháo đường, uống rượu, thuốc an thần…
Biểu hiện của chứng ngưng thở lúc ngủ
Ngủ ngáy và buồn ngủ vào ban ngày là triệu chứng dễ thấy nhất ở những người mắc chứng ngưng thở lúc ngủ. Ngoài ra, nó còn kèm theo các dấu hiệu như mệt mỏi, thiếu tập trung, có thể bị đau thắt ngực, hay giật mình thức giấc về đêm, thở gấp, ngạt thở… Khi có các triệu chứng này, các bạn tuyệt đối không nên chủ quan mà hãy đến các cơ sở y tế để khám, phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Phương pháp điều trị
Để chẩn đoán tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện đo đa ký giấc ngủ. Nếu tổng số đợt ngưng thở lớn hơn 5 lần trong mỗi giờ và đợt ngưng thở kéo dài từ 10 giây trở lên thì khi đó, bạn đã mắc phải hội chứng này.
Phương pháp điều trị cũng tùy thuộc và tình trạng bệnh của từng người:
- Mức độ nhẹ: Thay đổi lối sống, giảm cân, thực hiện các biện pháp để hạn chế ngủ ngáy như nằm nghiêng, không sử dụng rượu bia, thuốc lá, sử dụng dụng cụ nâng hàm…
- Mức độ trung bình: Đây là trường hợp người bệnh có sự bất thường về cấu trúc vùng tai, mũi, họng… Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật tạo hình vòm miệng hoặc cắt amidan… để không còn cản trở đường thở trong lúc ngủ.
- Mức độ nặng: Ở trường hợp này, người bệnh sẽ được thở áp lực dương liên tục trong lúc ngủ với máy thở, gắn mặt nạ mũi hoặc miệng. Máy thở sẽ giúp mở và ngăn ngừa xẹp đường hô hấp, giảm buồn ngủ vào ban ngày, cải thiện tình trạng tăng huyết áp…
Cách tốt nhất, để tránh những nguy hiểm từ chứng ngưng thở lúc ngủ, các bạn nên thiết lập cho mình một lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, luyện tập thể thao thường xuyên… Đặc biệt, khi có các dấu hiệu mắc chứng ngưng thở lúc ngủ thì hãy đi khám và chữa trị ngay để tránh các hậu quả nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
- 10/11/14 18:14 Bệnh "ướt chân, ướt tay"
- 10/11/14 11:38 Đừng xem thường những dấu hiệu bất ổn của da
- 10/11/14 10:54 Xử lý khi bị cước tay chân trong ngày lạnh
- 09/11/14 14:28 3 động tác giúp cải thiện "vòng 1" hiệu quả