Tôi gặp một đôi nam nữ trong thang máy. Có vẻ như họ là đồng nghiệp. Sau câu chào hỏi xã giao, cô gái rút điện thoại ra, mở khóa, bấm vào một phần mềm. Thoát ra. Rồi lại vào một phần mềm khác và lại thoát ra. Cô vuốt qua vuốt lại màn hình như một phản xạ vô điều kiện cho đến khi thang máy mở cửa.
Tôi giật mình vì thấy hình ảnh của chính mình và nhiều người xung quanh trong đó.
Thi thoảng tôi rút điện thoại ra, mở khóa một cách vô thức rồi không biết nên làm gì tiếp theo. Vuốt qua vuốt lại, vào Facebook rồi lại thoát ra. Di chuyển vị trí vài cái app.
Ngay khi ngủ dậy, tôi vơ lấy điện thoại, bật nó lên, rồi lại không biết nên làm gì tiếp theo và lại tắt nó đi.
Nhiều người vuốt điện thoại mải miết nhưng không biết mình thực sự đang làm gì. (Ảnh minh họa)
Tôi có đọc được The Globeand Mail dòng tít: “Your smartphone is making you stupid, antisocial and unhealthy” (Chiếc điện thoại thông minh đang biến bạn thành kẻ ngu, phản xã hội và hại sức khỏe).
Bài viết có đăng kèm một câu chuyện gây ngỡ ngàng: Vào năm 1907, tạp chí Punch của Anh từng đăng lên một bức họa. Tác giả vẽ một cặp đôi đang ngồi quay lưng vào nhau trong công viên London.
Người phụ nữ ôm một chiếc hộp màu đen, gương mặt mãn nguyện. Người đàn ông cũng ôm một chiếc hộp đen, mặt nhăn nhó. Bức họa được đặt tên là: Forecasts for 1907.
Bên dưới là dòng chú thích: Người phụ nữ đang nhận tin nhắn còn người đàn ông đang theo dõi kết quả đua ngựa.
Bức họa đó chính là những gì chúng ta đang trải qua. Thay vì ôm chiếc hộp đen, con người đang quay lưng vào nhau và nhìn vào màn hình điện thoại.
(Ảnh minh họa)
Chiếc điện thoại thông minh khiến thế giới nằm gọn trong lòng bàn tay con người, nhưng nó khiến cho người dùng lười suy nghĩ hơn, dễ bị lo lắng và lười giao tiếp.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Tôi vẫn nhớ tầm 15 năm trước, tôi có thể đọc vanh vách 20-30 số điện thoại. Giờ đây, số điện thoại duy nhất mà tôi nhớ chính là của bản thân.
Trở lại với câu chuyện về 2 người đồng nghiệp trong thang máy: Thay vì động não tìm câu chuyện để nói với nhau, họ chọn cách trốn tránh trong chiếc điện thoại. Cô gái bật điện thoại lên như một thói quen chứ không hề ý thức mình sẽ làm gì tiếp theo với nó.
Chính các bạn hãy tự chiêm nghiệm lại bản thân: Bao nhiêu lần trong ngày chúng ta bật điện thoại lên rồi chợt ngẩn ra tự hỏi: Mình sẽ làm gì tiếp theo, mình bật lên làm gì? Vuốt vuốt vài cái rồi lại tắt đi.
Tất cả những khoảng thời gian trống trong ngày đang bị chiếc điện thoại lấp đầy.
Điện thoại xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hiện đại
Dừng đèn đỏ cũng bật điện thoại. Đang lái xe cũng nghịch điện thoại đến mức chạy lờ đờ trên đường, cản trở giao thông mà không hề hay biết.
Quãng đường từ cơ quan ra quán cơm trưa kéo dài hơn, vì chúng ta vừa đi vừa cắm mặt vào màn hình điện thoại.
The Globeand Mail mang tới cho chúng ta một thống kê đáng sợ: Trong 5 năm đầu của kỷ nguyên điện thoại thông minh, số lượng người Mỹ thừa nhận chiếc điện thoại can thiệp vào cuộc sống gia đình của họ đã tăng từ 11% lên 28%.
30% người mắc bệnh mất ngủ ở Mỹ thừa nhận họ sử dụng điện thoại vào ban đêm, thay thế cho việc cố gắng chìm vào giấc ngủ theo cách truyền thống.
Chris Marcellino, một trong những nhân vật chủ chốt phát triển dòng điện thoại Iphone thừa nhận trên tờ The Guardian năm ngoái: Điện thoại thông minh gây nghiện không kém gì cờ bạc và ma túy.
Điện thoại thông minh là phát minh vĩ đại của nhân loại. Tuy nhiên, hãy để chiếc điện thoại làm nô lệ cho bạn chứ đừng biến bản thân thành nô lệ của nó.