Những sai sót trong việc thực hiện tiêm chủng tại bệnh viện này gồm văcxin để lẫn sinh phẩm, thuốc khác; không ghi chép quản lý văcxin hằng ngày; không lưu vỏ lọ theo quy định; không triển trai khai tiêm văcxin tại phòng tiêm…
Bộ Y tế cũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân sai phạm. Khi có kết quả điều tra cuối của cơ quan công an sẽ xem xét và xử lý nghiêm minh. Bộ cũng đề nghị Sở Y tế tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các đơn vị có thực hiện chức năng tiêm chủng trên địa bàn, tăng cường truyền thông tránh gây hoang mang cho người dân và cán bộ y tế.
Ảnh minh họa: Nytiems. |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tiêm chủng viêm gan B đảm bảo ít nhất trước 12 tiếng kể từ khi trẻ chào đời thì hiệu quả bảo vệ rất cao, càng tiêm muộn hiệu quả càng giảm. Vì thế Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ nên tiêm cho trẻ sau 24 giờ, tốt nhất là trước 12 tiếng kể từ khi trẻ chào đời.
Ông Bình cũng cho biết: "Bộ sẽ rà soát lại tất cả bệnh viện, cơ sở tiêm chủng và yêu cầu các cơ sở vẫn phải tiếp tục vận động bà mẹ tiêm đúng lịch để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Chúng tôi mong các bà mẹ vì lợi ích của con mình, của cộng đồng, vẫn mang trẻ đến các điểm tiêm của Bộ Y tế".
Mũi tiêm 24 giờ đầu đối với trẻ được đặt ra để bảo vệ khoảng 150.000 bé có nguy cơ trong số 1,5 triệu cháu sinh ra hằng năm. Khoảng 5-6% trong số trẻ đó nếu thực sự không tiêm, sẽ dẫn tới tình trạng viêm gan, xơ gan, ung thư gan trong quãng đời rất ngắn sau đó. Việc xét nghiệm cho tất cả các bà mẹ trước khi sinh để quyết định việc tiêm cho trẻ là không khả thi.
"Số lượng sản phụ sinh hàng năm quá lớn, 1,5 triệu người sinh mỗi năm. Từ bệnh viện trung ương đến các trạm y tế vùng sâu vùng xa nếu muốn tổ chức được việc xét nghiệm này rất khó khăn", tiến sĩ Bình cho biết.
Kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái lan... cho thấy bằng việc triển khai tiêm văcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh, họ đã khống chế thành công tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B xuống dưới 1%.
Ngày 20/7, sau khi cùng tiêm văcxin viêm gan B, 3 em bé sơ sinh ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, tím tái, lịm dần rồi qua đời. Kết luận điều tra ban đầu là trẻ bị sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Hiện cơ quan chức năng vẫn tiếp tục xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và mẫu văcxin để tìm nguyên nhân gây tử vong.
Nam Phương