Hen suyễn là bệnh viêm mãn tính của đường thở. Khi lên cơn suyễn, đường thở sẽ phù nề, tăng tiết đàm và co thắt lại làm cho trẻ khò khè, khó thở. Bệnh liên quan tới các yếu tố dị ứng như bụi, thức ăn, thuốc, thời tiết.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) hen suyễn là bệnh mãn tính, lâu dài, vì thế cần phải chú ý tới việc nuôi dưỡng trẻ. Trong quá trình điều trị phải dùng nhiều loại thuốc có thể dẫn tới nguy cơ loãng xương, chậm phát triển chiều cao, do đó, một chế độ ăn hợp lý là rất cần thiết cho sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ.
Trẻ bị hen suyễn cần tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng. Ảnh: scribidomagazine |
Một vấn đề mà nhiều bà mẹ quan tâm là trẻ khi bị hen suyễn cần phải kiêng thức ăn nào và nên ăn gì để khỏe mạnh. Bác sĩ Hoa đưa ra lời khuyên, lúc trẻ không bị bệnh, cần cho trẻ ăn theo lứa tuổi như trẻ bình thường nhưng hạn chế thực phẩm dễ gây dị ứng.
Những thức ăn dễ gây dị ứng bao gồm sữa, trứng, các loại hạt như đậu phộng, đậu nành, hải sản, lúa mì, rượu đỏ... Ngoài ra cũng cần tránh các thức ăn sinh lưu huỳnh như nước coca, tránh thức ăn chiên bằng dầu cũ, chiên đi chiên lại nhiều lần. Trẻ cũng cần được cho ăn ít muối.
Với trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất. Nếu sữa mẹ không cung cấp đủ, nên bổ sung thêm sữa thủy phân một phần để giảm nguy cơ dị ứng với đạm sữa bò ở trẻ. Giai đoạn này cần cung cấp đủ 150ml sữa/ ngày/ 1 kg cân nặng của trẻ. Trẻ cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất bột đường, chất đạm, chất béo, nhóm trái cây và rau. Đặc biệt trẻ cần ăn đủ đạm, đạm quý để bù lại lượng đạm đã mất do dùng thuốc. Chú ý bổ sung thêm vitamin D, vitamin C, canxi, sắt cho trẻ.
Khi trẻ đang lên cơn suyễn, không cho trẻ ăn để tránh bị sặc. Ngoài cơn suyễn, cần cho trẻ uống nhiều nước để làm lỏng đàm. Cần cho trẻ ăn ít để tránh trào ngược dạ dày thực quản. Thay vào đó, nên cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo trẻ không suy dinh dưỡng. Đồng thời, khi trẻ mắc bệnh, nên ăn chất béo vừa phải.
Bác sĩ Hoa lưu ý, với những trẻ có tiền sử dị ứng của gia đình, có ông bà, bố mẹ, anh chị em, người thân bị bệnh dị ứng như mề đay, viêm mũi dị ứng, suyễn, chàm..., cần nghĩ đến nguy cơ dị ứng và chú trọng hơn đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ ngay từ đầu.
Với trẻ có nguy cơ dị ứng cao thì người mẹ ngay từ khi có thai và cho con bú phải kiêng ăn những thức ăn gây dị ứng. Vẫn cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng, chỉ cho trẻ bú bình và ăn trứng khi trẻ trên 12 tháng.
Chưa chắc bé dị ứng với tất cả các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, vì thế cần cho bé thời gian tập ăn thử từng loại. Khi ăn thức ăn mới, cần phải bắt đầu thử dần dần một ít. Nếu ăn 2 ngày trẻ không có biểu hiện dị ứng thì ăn tiếp. Cứ thế nên duy trì thử trong vòng 1 tuần để có kết quả và nên đánh dấu vào một cuốn sổ riêng là loại thức ăn mới này trẻ có ăn được hay không.
Bác sĩ Hoa khuyến cáo, trong quá trình thử thức ăn, không cho trẻ ăn một lúc nhiều loại thức ăn mới vì như vậy sẽ không biết bé thích ứng hay dị ứng với thức ăn nào. Khi thức ăn không phù hợp với trẻ, cần chú ý tìm loại thực phẩm thay thế phù hợp, tương ứng theo các nhóm chất để bé vẫn được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Với những trẻ ít có nguy cơ dị ứng, cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng và không nên để trẻ bị béo phì. Thông thường, béo phì thường làm đường thở của trẻ bị hẹp, dễ co thắt.
Lê Phương