Anh Cao Xuân Hiệp, 21 tuổi ở Đồng Nai vừa được ghép tế bào gốc từ chị gái tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, với chi phí lên đến 400 triệu đồng, chưa kể tiền hóa trị trước đó. Người nhà cho biết, chỉ riêng tiền lấy tế bào gốc từ người cho đã tốn khoảng 100 triệu đồng. Sau đó chi phí tạm ứng cho việc ghép tương đương 300 triệu đồng. Bảo hiểm chỉ chi trả khoảng 70 triệu.
Ca ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp đầu tiên tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Chị Cao Thị Nguyệt, chị gái của bệnh nhân Hiệp cho hay đó không phải là tất cả tiền điều trị bởi trước khi ghép, chi phí cho các đợt hóa trị đã khoảng 300 triệu đồng. "Đến khi chấp nhận phương pháp ghép tế bào gốc, gia đình tôi đã phải về bán một phần đất mới đủ tiền lấy mảnh ghép và tạm ứng cho ca mổ", Nguyệt nói.
Các bác sĩ Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM cũng thừa nhận, tuy thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, nhưng chi phí ghép tế bào gốc điều trị ung thư vẫn là rào cản của nhiều gia đình.
"Dù tìm được người trong nhà có thể lấy tế bào gốc, song số tiền vài trăm triệu đồng để ghép không phải nhỏ. Chính vì thế không phải bệnh nhân nào muốn ghép cũng được", một bác sĩ cho biết.
Cụ thể, chị Huỳnh Thị Thúy nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu dù đã được các bác sĩ tư vấn hướng điều trị ghép tế bào tuy nhiên gia đình đành chịu vì không thể kiếm đủ tiền. Một trường hợp khác, anh Thông ở Tuy Hòa cũng phải chấp nhận cho con gái tiếp tục điều trị bằng hóa chất dù theo chỉ định có thể ghép tủy.
"Biết rằng chi phí ghép tế bào gốc trong nước vẫn rẻ hơn điều trị ở nước ngoài rất nhiều, tuy nhiên với những gia đình công chức như chúng tôi, vài trăm triệu đồng cho một lần điều trị vẫn vượt quá khả năng", anh Thông nói.
Nhiều phụ huynh có con mắc ung thư máu đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM cũng cho rằng, "chi phí cho vài đợt hóa trị và tiền mua máu cho các bé đã khiến nhiều người phải bán nhà bán đất thì tiền đâu để nghĩ đến chuyện điều trị tốn kém hơn".
Đắt nhưng vẫn là cơ hội tốt của nhiều bệnh nhân
Thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Văn Mẫn, Phó trưởng khoa Ghép Tế bào gốc, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM cho biết, từ năm 1997 đến nay đã có 135 ca được ghép gồm tự ghép lẫn dị ghép, trong đó ghép tủy xương 4 ca, ghép tế bào gốc máu cuống rốn 10 ca, còn lại là ghép tế bào gốc máu ngoại vi.
Ông Mẫn cũng cho biết, bệnh thường ghép nhất là bạch cầu cấp dòng tủy, bạch cầu cấp dòng lympo, bệnh lao tủy, ung thư hạch, trong đó tỷ lệ bạch cầu cấp dòng tủy được ghép nhiều nhất.
"Không thể chắc chắn sau ghép bệnh nhân sẽ sống hết và sống khỏe mạnh. Không phải ai điều trị cũng có kết quả như nhau, về lý thuyết, khả năng bệnh nhân sống sau 5 năm là 50%-60%. Theo các nghiên cứu, sau ghép 5 năm thì tỉ lệ tái phát 40%, sau bảy năm 70%-80%", ông Mẫn nói.
Cũng theo bác sĩ Mẫn, trước khi ghép tế bào gốc, bệnh nhân phải điều trị bằng hóa chất, nếu điều trị hóa chất có kết quả tốt thì mới tiến hành, những trường hợp dùng hóa chất không đạt lui bệnh vẫn có thể ghép nhưng kết quả không cao và bệnh nhân có thể tử vong khi đang phẫu thuật.
Bệnh nhân được chỉ định ghép thường là những người được bác sĩ cho rằng sẽ có cơ hội sống tốt sau ghép và chờ đến khi bệnh nhân có dấu hiệu tái phát thì mới ghép. Trong trường hợp dị ghép, tức cần tế bào gốc từ người khác, những người trong gia đình bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm xem có phù hợp để cho tế bào hay không. Khả năng biến chứng trong điều trị khoảng 10%.
Tại Việt Nam, ngoài Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, những bệnh viện khác đã ghép tế bào gốc điều trị ung thư gồm Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu huyết học Trung Ương, Viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108 và Bệnh viện 19/8 (Bộ Công An).
Thiên Chương