Tiêm vacxin phòng cúm tại Viện vệ sinh dịch tễ trung ương. |
Chiều 11/12, tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) đã hết sạch vacxin phòng cúm. Hai nhân viên y tế trực ở đây cho biết loại vacxin này không có nhiều, về bao nhiêu là tiêm hết ngay. Trung tâm này là một trong ba địa chỉ có dịch vụ tiêm vacxin phòng bệnh cúm ở Hà Nội, cùng với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ở 131 Lò Đúc và Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế ở số 4 phố Sơn Tây.
Năm nay, vacxin phòng cúm về Việt Nam muộn gần một tháng so với dự kiến nên nhiều khách sạn, công ty nước ngoài đã chủ động liên hệ với đại diện nhà sản xuất vacxin phòng cúm duy nhất tại Việt Nam để tiêm phòng cho nhân viên. Trong hơn một tháng qua, hàng chục khách sạn, cơ quan (khách sạn Sunway, Công ty Thép VSP, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tại VN, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ...) đã cho nhân viên đi tiêm phòng. Người dân Hà Nội cũng đổ xô đến các trạm y tế phường, quận và điểm tiêm phòng để tìm hiểu thông tin. Ngày cao điểm nhất có tới 500-600 người Hà Nội đi tiêm phòng bệnh cúm.
Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương Phạm Ngọc Đính cho biết, do dịch cúm có thể bùng phát trong mùa đông xuân nên Viện đã đề nghị nhà cung cấp vacxin cúm duy nhất tại Việt Nam cố gắng tăng số lượng vacxin cúm nhập vào. Tuy vậy, tình trạng thiếu vacxin vẫn xảy ra, nhất là ở các tỉnh phía Bắc. Viện đang đề nghị cung cấp thêm vacxin cho Việt Nam. Trước nguy cơ thiếu vacxin (mặc dù đại diện nhà sản xuất tiết lộ đã cung cấp trên 10.000 liều riêng cho thị trường Hà Nội), ông Đính cho rằng nên ưu tiên vacxin cho ba nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao, bao gồm trẻ em (nhất là trẻ 3-10 tuổi), người già trên 60 tuổi, người mắc các bệnh mạn tính đường hô hấp và bị suy giảm miễn dịch.
Ông Đính cũng cho biết, loại vacxin cúm đang lưu hành có tác dụng ngừa hai type cúm A H3N2, H1N1 và một type cúm B (và phải tiêm nhắc lại hằng năm). Đây là các type cúm có tỷ lệ mắc cao. Nó không có tác dụng phòng virus H5N1 nhưng có thể đề phòng việc tái tổ hợp virus xảy ra ở cơ thể người. Theo Tổ chức Y tế thế giới, phải đến năm 2007, vacxin ngừa H5N1 mới có thể ra mắt chính thức.
(Theo Tuổi Trẻ)