Có hàng ngàn định nghĩa về hạnh phúc, và đây là một định nghĩa được từ điển “Bách khoa toàn thư mở-Wikipedia” chia sẻ: Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí.
Nói cho dễ hiểu, đó chính là sự thỏa mãn khi người ta đạt được điều mình hằng mong muốn. Người nào thích tiền bạc thì có được thật nhiều tiền bạc chính là hạnh phúc, người nào xem trọng tình cảm thì đó chính là cảm giác được yêu thương.
Cũng có rất nhiều cách đánh giá hạnh phúc. Chỉ số hạnh phúc (HPI) của tổ chức New Economics Foundation (Anh) xếp Việt Nam trong top 5 đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc lại đặt Việt Nam ở nửa cuối, xếp hạng 94.
Từ những sự không đồng nhất cho ta thấy suy cho cùng hạnh phúc chỉ là cảm giác, hay cách bạn cảm thụ ra sao. Chính những điều ấy đã giúp chúng ta quan sát các vận động xã hội, hay guồng quay của nhận thức.
Ngày nay, người ta hay kêu ca và đi tìm kiếm hạnh phúc thật sự, và đó chính là lý do khiến chúng ta phải xem xét vậy thế nào mới là hạnh phúc thực sự.
Nói 9X là thế hệ chuyển giao là không sai, khi những 9X đời đầu và đời cuối đã khác nhau đến lạ lùng. 9X đời đầu là người chứng kiến những thay đổi của thời đại, thuở mà những chiếc tivi đen trắng là “tài sản chung”, những lá thư viết tay để tỏ bày tình cảm, hay những ứng dụng công nghệ “lỗi thời”.
Ngược lại, 9X đời cuối lại là những người hưởng trọn vẹn sự công nghệ hoá, và chuyển tiếp như vũ bão của smartphone, của internet tác động đến họ từ bữa ăn cho tới giấc ngủ. Thế giới của 9X đời cuối bao la, vận động và thay đổi không ngừng. Vì thế, để bắt kịp tất cả những trào lưu mà người ta sành điệu đặt tên là “Trend”, 9X thời kỳ này cũng thích nghi bằng cách chuyển mình nhanh đến kỳ lạ. Sự chuyển động không ngừng của xã hội, vô tình là những áp lực lên họ, khiến họ làm gì cũng có đôi phần gấp gáp hơn.
Hay nói 9X là sự giao thoa cũng không sai vì họ chứng kiến trọn vẹn quá trình đại nhảy vọt từ những điều xa xưa đến bước đầu của công nghệ hiện đại. Từ tem thư đến messenger, từ những món ăn dân dã tuổi thơ đến thời kỳ của fastfood. Thời đại thay đổi đến ngỡ ngàng, và những người chứng kiến thay đổi đó chính là nhân chứng của thời cuộc.
Vậy với họ, thế nào là hạnh phúc?!
Những người sinh từ năm 1990-1995 được coi là 9X thế hệ đầu. Ở thời của họ, có thể vẫn còn tiếng pháo đêm giao thừa, vẫn còn cảnh cả xóm xem chung một phương tiện giải trí là chiếc tivi đen trắng.
Nên những điều xưa cũ có thể là cơ sở hình thành nên những điều họ xem là hạnh phúc của cuộc đời. V.X, một đại diện cho 9X đời đầu trả lời cho câu hỏi thế nào là hạnh phúc: “Phải có được cả yếu tố tinh thần và kinh tế. Là được bên cạnh những người yêu thương, được sẻ chia, quan tâm. Kinh tế chỉ cần đảm bảo cho cuộc sống, lo được cho những người thân yêu là đủ”.
M.N, một designer cũng thuộc thế hệ 9X đời đầu lại chia sẻ: “Phải cố gắng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp trước đã”. Anh chàng này coi trọng những giá trị của sự tiến bộ, muốn sống và cống hiến cho xã hội nhiều hơn.
Dễ dàng nhận thấy, với hai 9X này cuộc sống của họ chậm rãi hơn, không xô bồ, vô hồn như những thói quen của thời đại số. Dĩ nhiên, 2 trong số họ không thể đại diện cho cả thế hệ, nhưng có thể bao quát phần lớn những gì khiến thế hệ này cảm thấy thế nào là hạnh phúc. Những con người ổn định và thích những điều thiên về tình cảm. Họ mong muốn có sự nghiệp, có những mối quan hệ gia đình mật thiết, gắn bó. Chỉ cần vậy là đã cảm thấy đủ trong cuộc sống.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});T.C, một cô sinh viên sinh năm 1997, nói: “Hạnh phúc là được làm điều gì mình muốn, được đi du lịch, sống cuộc sống thoải mái, không vướng bận”. Giống như đa phần những bạn trẻ khác, cô bạn này chỉ mong muốn có một cuộc sống tự do.
T.L, cô nàng thích thời trang lại có quan điểm: “Tôi muốn chắc chắn về vật chất, có một khoản tiền lớn vừa đủ để sống thoải mái và vui vẻ”. Có thể thấy, cũng có những người trẻ hiện đại sống thực tế hơn, họ xem trọng những nhu cầu vật chất để đảm bảo một cuộc đời hạnh phúc.
Ở thời mà tốc độ thay đổi của mọi thứ đều tính bằng giây khiến người ta buộc phải sống nhanh hơn một chút để bắt kịp guồng quay xã hội. Người trẻ cảm thấy hạnh phúc khi họ được tự do, đi du lịch, trải nghiệm nhiều điều mới.
Chính từ những điều đó đã hình thành nên một thế hệ rất khác, với quan niệm sống và cách cống hiến cũng khác nhau. Nếu như 9X đời đầu xem trọng giá trị gia đình thì thế hệ còn lại có phần tôn sùng chủ nghĩa tự do hơn.
Những quan điểm về hạnh phúc khác nhau nên hình thành nên cách họ sống và vươn tới hạnh phúc cũng khác nhau. Họ đề ra mục tiêu mang tên “hạnh phúc” và bám vào đó để nỗ lực, và thành công.
Nhưng dù đó là gì, sống trong bối cảnh hiện nay 9X đều phải tập thích nghi với thay đổi. Bất chấp bạn là người coi trọng giá trị tình cảm hay vật chất, coi trọng cá nhân hay gia đình thì người hạnh phúc nhất vẫn là người biết đủ với hiện tại nhưng không ngừng vươn lên săn đuổi những mục tiêu mà chính mình đặt ra.
Đây là câu hỏi có thể tìm ra được hàng triệu câu trả lời. Nếu bạn thích du lịch, hãy cố gắng để có đủ tài chính, kiến thức, ngoại ngữ để thực hiện ước mơ. Nếu bạn muốn có một gia đình hạnh phúc, không quá đặt nặng về vật chất, hãy biết cách yêu thương bản thân, và mang đến sự ấm áp cho những người thân trong gia đình.
T.N, một 9X đời đầu với mong muốn cuộc sống bình dị và giản đơn chia sẻ cách mình vươn tới hạnh phúc: “Muốn ở gần những người thân yêu nên mình chọn công việc phù hợp, không cần quá nhiều tiền, quan trọng là có được thời gian với gia đình, người thân”.
T.T, cô sinh viên trẻ đại diện cho 9X đời cuối lại có cách theo đuổi hạnh phúc thực tế: “Mình muốn tự do, nên mình sẽ làm theo những gì mình tin tưởng, không nghe theo ý kiến và để người khác quyết định đời mình”.
Nhắc lại rằng họ không đại diện cho một thế hệ, nhưng ta tìm thấy những điểm chung khó thể chối cãi. Hãy tự hỏi một câu điều gì khiến ta hạnh phúc? Trả lời câu hỏi trên và lấy đó làm động lực phấn đấu trong đời.
Không ai trói buộc được ta trong hành trình đi tìm hạnh phúc của chính mình, và cũng chẳng có hạnh phúc nếu chúng ta không nỗ lực với bất cứ đích đến nào. Nhưng, cũng xin nhớ rằng, mải miết trong kiếm tìm thì bạn cũng nên tỉnh táo để biết, hạnh phúc thật sự của mình là gì.
Bởi, hiểu được mình muốn gì, cần gì thì cũng đã là một hạnh phúc rồi!
Nội dung: | Anna |
Thiết kế: | MinSun - LaiShareSure |