Hốt hoảng vì mang bầu trong cữ
Chị Nguyễn Thúy Hằng trú tại Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, vợ chồng chị kế hoạch hai năm nữa mới sinh con nhưng lại bị “nhỡ”. Việc “nhỡ” này khiến vợ chồng chị mất ăn mất ngủ vì chị Hằng mới sinh con bằng phương pháp sinh mổ được gần 1 năm. Chị Hằng lo có thể bục vết mổ, sức khỏe của hai mẹ con đều nguy hiểm.
Nhớ lại lần sinh trước, chị Bùi Thị Liễu trú tại Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng vì chị phải mổ cấp cứu. Sau mổ được vài tháng, chị lại có bầu ngoài ý muốn. Lúc đó đang ở trong cữ cho con bú, chị lại phải bỏ thai vì vết mổ chưa được 1 năm khi sinh sẽ nguy hiểm. Bỏ thai chưa được bao lâu, nay chị Liễu lại có thai lại.
Ảnh minh họa.
Vẻ mặt đau khổ, chị cho biết: “Mọi lần em căn rất chuẩn, từ sau khi sinh con chu kỳ không đều nên không biết lối nào mà căn thành ra hay bị nhỡ”. Sau khi vợ chồng bàn tính và được bác sĩ tư vấn kỹ, chị Liễu quyết định để thai lại. Từ giờ tới lúc chị sinh cháu thứ hai thời gian mổ thai là 20 tháng nhưng chị vẫn hi vọng có thể giữ được con mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con.
Chị Lã Thị Hương trú tại thành phố Ninh Bình tâm sự, chị mổ sinh khi sinh con đầu, nhưng chưa được 3 tháng thì cháu qua đời vì bị viêm phổi. Vợ chồng chị muốn sinh thêm con luôn để gia đình có tiếng trẻ thơ vơi bớt nỗi đau mất con. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên chị không nên sinh ngay mà chờ qua 2 năm để sức khỏe hồi phục, vết mổ đẻ lành. Chị Hương rất sốt ruột. “Em đã mổ sinh một lần, giờ không biết có thể sinh thêm được hai lần nữa không. Nếu chỉ mổ được 1 lần nữa thôi, gia đình em chỉ có một con thì buồn lắm”.
Trước hai năm cần theo dõi kỹ
Theo bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung – phòng khám sản khoa Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, bà gặp nhiều trường hợp chị em phụ nữ có câu hỏi như thế. Bà Dung cho biết thường thì phụ nữ sau sinh mổ được bác sĩ khuyến cáo nên có thai lại sau 2 năm. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng giữ được khoảng thời gian đó vì rất nhiều cặp vợ chồng bị “nhỡ”.
Sinh mổ là một cuộc đại phẫu với thao tác rạch một đường nhỏ ở phía bụng dưới và tử cung của người mẹ để lấy em bé ra được dễ dàng.
Bác sĩ Dung giải thích phụ nữ sinh mổ cần có nhiều thời gian hơn so với sinh thường để cổ tử cung phục hồi lại trạng thái bình thường trước khi mang thai lần sau. Đặc biệt, khoảng thời gian dành cho việc phục hồi vết mổ trong tử cung rất dài. Nếu mang thai lần sau quá sớm, vết mổ bục ra là chuyện không thể tránh khỏi.
Việc mất máu trong khi sinh mổ cũng khá nhiều, vì vậy bạn cần nhiều thời gian để máu được phục hồi và lấy lại sức khỏe tốt nhất.
Ngoài ra, việc mang thai sau sinh mổ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, sức khỏe của người mẹ. Vì vậy, trước khi quyết định mang bầu tiếp bạn nên có cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ để biết cơ thể cần bổ sung gì và chuẩn bị tâm lý tốt nhất trước khi chào đón em bé mới.
Theo bác sĩ Dung các bác sĩ thường khuyến cáo chị em sinh mổ nên có thai lại sau hai năm. Nếu sau khi sinh mổ được 1 năm đã có thai trở lại thì cần được quản lý thai kỳ rất kỹ vì nguy cơ bục tử cung có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Với những trường hợp mổ đẻ nếu trong trường hợp đặc biệt buộc phải sinh con lần thứ 3, thai phụ cần được có chế độ chăm sóc và theo dõi đặc biệt hơn so với những người khác. Đến kỳ sinh nở, các bác sĩ sẽ chỉ định mổ đẻ cho thai phụ sớm hơn thời gian chuyển dạ để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.