Thông thường đến tuổi dậy thì, chị em phụ nữ sẽ có hiện tượng kinh nguyệt. Hiện tượng này có thể xảy ra sớm hoặc muộn tùy từng người. Tuy nhiên, nếu đến 18 tuổi mà chị em chưa thấy có kinh hoặc đang có kinh tự nhiên thấy kinh nguyệt không xuất hiện nữa từ 3 tháng trở lên thì cần nghĩ ngay đến việc mình rất có thể đang gặp phải hiện tượng vô kinh.
Vì đâu nguyệt san bỗng dưng “lặn mất tăm”
Hiện tượng vô kinh thường được chia ra thành 2 nhóm chính như sau:
Vô kinh nguyên phát
Bạn gái trên 18 tuổi vẫn không thấy “nguyệt san” xuất hiện lần nào, đặc biệt trong trường hợp có mẹ ngày trẻ không gặp phải tình trạng này.
Nguyên nhân: Nếu bạn gái phát triển bình thường về núi đôi, vi-ô-lông… thì có nghĩa buồng trứng hoạt động tốt. Khi đó nguyên nhân gây vô kinh có thể là do không có tử cung, tử cung nhi hóa, màng trinh không thủng (bế kinh, vô kinh giả) hoặc gặp phải một hay nhiều khiếm khuyết nào đó ở tử cung, “cô bé”…
Ngược lại, nếu núi đôi, vi-ô-lông vùng kín, nách không phát triển bình thường thì nguyên nhân có thể là do teo buồng trứng hoặc teo tuyến yên bẩm sinh.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng vô kinh có thể xuất phát cùng lúc từ nhiều cơ quan khác nhau, với nhiều rối loạn đôi khi nguy hiểm cho cả tính mạng của chị em phụ nữ.
Vô kinh thứ phát
Chị em trước đó có kinh nguyệt bình thường nhưng vì lý do nào đó mà không thấy kinh trở lại trong vòng 3-6 tháng, tất nhiên không phải do mang thai.
Nguyên nhân: Vô kinh thứ phát xảy ra có thể là do chị em mắc các bệnh lý rối loạn phóng noãn, bệnh lý nội khoa ảnh hưởng đến tuyến yên, vùng hạ đồi, buồng tử cung bị dính sau nạo phá thai, suy sớm buồng trứng, khối u buồng trứng, rối loạn hoạt động nội tiết của tuyến vỏ thượng thận, tuyến giáp...
Ngoài ra, tình trạng stress, quá ốm yếu, dùng thuốc tránh thai dài ngày, tập luyện và giảm cân quá mức cũng có tác động ức chế lên vùng hạ đồi tuyến yên, gây vô kinh thứ phát.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, cả hai hình thức vô kinh nguyên phát và thứ phát nếu không chữa trị sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe chị em phụ nữ, có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, vô kinh không chữa trị kịp thời có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng làm mẹ trong tương lai của bạn gái, thậm chí gây vô sinh.
Nếu không may phát hiện mình có nguy cơ vị vô kinh thì bạn gái cần đến gặp bác sĩ khi nào? Với vô kinh nguyên phát, mặc dù khuynh hướng có kinh trễ có thể là do di truyền tuy nhiên nếu chị em đã bước qua tuổi 18 mà chưa thấy có kinh thì tốt nhất nên đến bệnh viện thăm khám ngay.
Trong khi đó với vô kinh thứ phát, lời khuyên là trong tất cả mọi trường hợp khi thấy vô kinh kéo dài trên ba tháng, chị em phụ nữ cần mạnh dạn đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.