Ngày nay, trẻ em thường đón trung thu ở nhà hàng, các trung tâm thương mại, trên phố lồng đèn rực rỡ. Thế nhưng với thế hệ 8X, 9X đời đầu, Trung thu là dịp để quây quần bên gia đình, tự chế ra những chiếc lồng đèn đơn sơ bằng lon bia, hộp sữa bò, tre nứa… cùng bạn bè thắp đèn cầy vừa chạy nhảy, vừa hát vang khắp ngõ.
Cách đây 10 đến 20 năm, Trung thu diễn ra một cách rất giản dị, nhưng cũng không kém phần vui vẻ. Chỉ với chiếc đèn ông sao giấy bóng kính xanh đỏ, những mâm cỗ bánh kẹo nhỏ xinh, cũng đủ để lũ trẻ vui đùa rộn ràng khắp xóm.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Ngày đó, Trung thu là dịp được lũ trẻ mong chờ nhất trong năm. Những đứa trẻ vùng quê không có cơ hội tiếp xúc với các loại đồ chơi đa dạng, thế nhưng lại quý ở sự vui đùa cùng nhau. Không quan trọng là có đèn lồng hay không, chỉ cần cùng nhau đi trong đêm Trung thu, một chiếc đèn ông sao có thể truyền tay cho cả hội.
Ngày xưa, nhiều gia đình gắn liền với khó khăn nghèo đói, thiếu thốn không có bánh ngon, đèn xịn… nhưng trẻ em vẫn được đón một mùa Trung thu ấm áp tình người. Cả xóm chỉ có vài cái đèn ông sao, vài cái trống và một cái đầu sư tử cũng đủ để vui đùa hết mùa trăng lên.
Xã hội ngày càng phát triển, cùng với đó là sự biến đổi về bộ mặt văn hóa của con người, trong đó có văn hóa lễ hội. Những hình ảnh này nay chỉ còn trong ký ức của một bộ phận người Việt, thế nhưng mỗi lần nhớ đến, lại khiến nhiều người không khỏi xúc động.