Lê Diệp Kiều Trang - CEO Facebook Việt Nam vừa qua đã chia sẻ suy nghĩ của mình quanh việc học - làm - thành công. Những điều nữ giám đốc chia sẻ phần nào nói lên thực trạng học chưa đi đôi với hành của giáo dục Việt Nam, đồng thời chỉ ra rằng muốn thành công cần hội đủ nhiều yếu tố khác ngoài học giỏi.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ do vậy có những hoài nghi về con đường học vấn cũng như lo ngại về vấn đề “ học giỏi liệu có thành công?”. Chẳng có gì bảo đảm học giỏi sẽ thành công nhưng có một điều có thể chắc chắn, những người thành công là những người học giỏi.
Việc học nếu chỉ hiểu trong phạm vi trường lớp với những giáo án bài giảng thì câu nói “học giỏi không có nghĩa là làm việc giỏi” hoàn toàn chính xác. Thế nhưng, khả năng tính toán nhanh, trí nhớ tuyệt vời hay IQ cao chỉ thể hiện người đó vượt trội về mặt tư duy logic.
Tiến sỹ tâm lý Howard Gardner, cha đẻ của thuyết trí thông minh đa dạng cho rằng con người có 8 loại thông minh khác nhau, bao gồm: ngôn ngữ, âm nhạc, logic, không gian, vận động cơ thể, tương tác cá nhân, nội tâm, thiên nhiên.
Như vậy, trường học chỉ chú trọng phát triển trí thông minh logic và ngôn ngữ mà bỏ qua những lĩnh vực còn lại cũng quan trọng không kém. Để phát triển những lĩnh vực này, bạn buộc phải tìm hiểu thêm các nguồn tri thức khác bên ngoài nhà trường.
Do vậy, “học” ở đây cần được hiểu là tinh thần cầu thị, ham tìm tòi và tiếp nhận tri thức nhân loại ở lĩnh vực bản thân quan tâm. Chỉ như vậy, việc học mới thực sự có ý nghĩa chứ không đóng khung hay bó buộc trong lớp học.
Trường học không phải là môi trường giáo dục duy nhất. Mỗi người chúng ta từ khi lọt lòng đã phải học rất nhiều thứ như "học ăn, học nói, học gói, học mở". Lớn hơn một chút, con người tiếp nhận mọi thứ thông qua gia đình, rồi mới đến trường học và lớn hơn là xã hội. Quá trình tiếp nhận cái mới vẫn luôn diễn ra liên tục hàng giờ, hàng ngày.
Người thành công ở lĩnh vực nào đó chính là người giỏi ở lĩnh vực đó, thậm chí họ còn học nhiều hơn những người khác.
Một người thợ đóng tàu lành nghề cũng phải bắt đầu những bước cơ bản nhất từ vị trí học việc. Sau một thời gian từ 7-10 năm tùy theo khả năng của mỗi người, họ sẽ mở được xưởng đóng tàu riêng của mình. Người thợ đó có thể không được đào tạo qua trường lớp chính quy nhưng họ trưởng thành nhờ trường nghề, trường đời. Thành quả này có được là do quá trình học hỏi và trau dồi tay nghề hết ngày này qua ngày khác.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Học từ trường nghề, học từ trường đời, học từ công việc, học từ những người xung quanh, luôn luôn có những điều bạn phải trau dồi hàng ngày. Việc học chỉ kết thúc khi bạn tự đóng mọi cánh cửa xung quanh hoặc khi bạn xuôi tay nhắm mắt.
Những nhân vật thành công có vị trí cao trong lĩnh vực chuyên môn phần lớn đều xuất thân từ trường chuyên lớp chọn. Sẽ có người viện lý do Bill Gate, Mark Zuckerberg hay Lady GaGa đều dừng việc học giữa chừng nhưng vẫn thành công và trở nên nổi tiếng.
Tuy nhiên, đừng quên rằng những nhân vật vừa kể trên đều bỏ học ở những ngôi trường danh giá. bill gate và Mark Zuckerberg từng là sinh viên đại học Harvard, còn Lady Gaga có thời gian học một năm tại trường Nghệ thuật Tisch danh tiếng thuộc đại học New York.
Ngay cả khi có lợi thế về trí thông minh hơn người và có kế hoạch phát triển bản thân rõ ràng, những người thành công bỏ ngang việc học cũng phải trải qua khoảng thời gian tự rèn luyện cực khổ và làm việc miệt mài.
Thêm vào đó, những người bỏ học lập nghiệp sau đó thành tài chỉ chiếm con số rất nhỏ. Theo thống kê của Forbes, chỉ có 63 trên tổng số 400 người tự lập nghiệp giàu nhất thế giới bỏ học, phần lớn trong số đó bỏ học ở những trường danh giá trên thế giới. Và 337 người còn lại có trong tay ít nhất một tấm bằng đại học.
Điều này chứng minh rằng học là việc xuyên suốt cuộc đời, chỉ thay đổi từ hình thức này sang hình thức khác. Thay vì phải học những bài học trên lớp, những người rời khỏi môi trường sư phạm chọn cách tự học những gì mình đam mê từ công việc và từ cuộc sống. Thành công chỉ đến với những người luôn say mê tìm tòi học hỏi và nỗ lực không ngừng.
Thành công chỉ đến khi hội đủ các yếu tố cần thiết, và học là quá trình chuẩn bị để bước từng bước vững chãi dẫn đến thành công. Chính vì lý do đó, việc học chưa bao giờ là lãng phí. Những người thành công là những người biết rõ ưu nhược điểm của mình và luôn học cách hoàn thiện bản thân.
"Thứ quý giá nhất mà bạn đem theo được khi rời khỏi trường, không phải là luận án, mà là năng lực phân tích và tư duy độc lập, kinh nghiệm nghiên cứu và phát hiện chân lý, cả tầm nhìn và hoài bão của một nhà khoa học. Một ngày nào đó khi bạn không còn nghiên cứu lĩnh vực này nữa, bạn vẫn có thể làm đến mức độ tốt nhất ở bất kỳ lĩnh vực mới nào." - Trích Lý Khai Phục tự truyện: Thế giới khác đi nhờ có bạn.