Các lĩnh vực Mai Hương tham gia không chỉ gói gọn ở thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu ra gần 30 quốc gia trên thế giới, ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa kết nối, giới thiệu các thị trường tiềm năng với nhau. Bằng tài năng và kinh nghiệm, Hương từng được các đối tác nước ngoài mời hợp tác ở những dự án quan trọng trong những ngày đầu họ đặt chân đến Việt Nam.
Khi làm việc với bà con nông dân, cô cũng từng giúp họ xuất khẩu hàng hoá mang về các hợp đồng trị giá hàng triệu đô. Có thể nói, thành tựu của Mai Hương là những con số biết nói, chứng minh tài năng, sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm đầy đam mê và hoài bão của người Việt trẻ. Cô và những thành tựu của mình chính là hình mẫu, là niềm mơ ước đối với nhiều bạn trẻ đang khát khao star-up để khẳng định tài năng và đam mê.
Có quá nhiều thành công khi tuổi còn rất trẻ, tuy nhiên khi nói về những điều đó Hương không nhận mình là người đi tiên phong. “Đó đơn giản chỉ là hoàn cảnh bắt buộc đã đẩy mình buộc phải hành động như vậy. Bạn thấy đấy, chúng ta đang sống trong bối cảnh đất nước đang là nước phát triển có những điều gần như là chưa từng có tiền lệ trước đây vì thế mình phải tự mày mò và tìm đường mà làm. Đây là chuyện hết sức bình thường, nên tôi không tự hào mình là người khởi xướng. Tôi cho đó chỉ là sự nhận thức nhạy bén về thị trường".
Thực tế cũng cho thấy, bạn không thiếu ý tưởng, mà chỉ thiếu người thực hiện. Tiền cũng không thiếu, chỉ là thiếu công ty tốt. Đừng bao giờ giới hạn mình vì chưa có đủ tiền, hay ý tưởng không có tính phát hiện. Chỉ cần có ý tưởng bình thường nhưng bạn vận hành tốt, và quan trọng là phải thật sự nhúng tay vào làm, sống chết với nó thì mới thành công...là những điều Hương rút ra được sau hàng loạt sự khởi đầu may mắn.
Khi tôi đặt câu hỏi, vậy điều gì làm nên thành công cho chị từ rất sớm, Hương thẳng thắn cho rằng; “Tôi làm điều khác biệt không phải là muốn chứng tỏ mình hay có một ý tưởng gì đó quá điên rồ, mới mẻ, với tôi chỉ đơn giản là chọn ra những cách khác nhau để đi đến đích mình mong muốn. Xã hội Châu Á còn nhiều rập khuôn về suy nghĩ, nên bản thân cần phải nhạy bén để vượt ra những suy nghĩ đó.
Còn thất bại, tôi cũng từng chứ. Thất bại là chuyện quá bình thường. Nhưng tôi cũng có suy nghĩ về chuyện này hơi khác, đó là khi hành động mình phải thấy chuyện nếu có thất bại thì cũng là việc đã nằm trong hoạch định, có như vậy bạn mới dám làm, và không bị sốc".
Nhiều lúc bạn bè cũng hỏi tôi làm sao để vượt qua những khoảnh khắc tồi tệ, hay chính bản thân tôi cũng từng tự đặt câu hỏi, rằng vì sao mình lại vượt qua được những điều đó, thực ra câu trả lời cũng đơn giản thôi. Đừng đặt mục tiêu tránh né thất bại, thay vào đó Hương nghĩ thất bại nhanh nhưng đứng dậy cũng phải nhanh. Sau thất bại là kinh nghiệm hay cần học hỏi, thất bại không thể làm sụp đổ mọi thứ dù có phải trả giá. Có điều, nên biết chắc chắn có rủi ro, nhưng làm sao để phân toán rủi ro, tính toán rủi ro, để cho dù có thất bại nhưng vẫn có nền tảng để tiếp tục làm lại và phát triển. Tôi đã từng có quyết định sai, nhưng không chịu thừa nhận thất bại mới là nguy hiểm nhất, không chịu nhận ra bài học khiến mình càng lún sâu và kéo mình trì trệ”.
Rất thẳng thắn và kiên định, Hương cho rằng bài học lớn nhất sau mỗi vấp ngã mà “Nữ hoàng star-up” nhận được chính là thái độ quyết định tất cả. Trở lại câu chuyện star-up, người ta nói nhiều về đam mê, bên cạnh tài năng và tham vọng, tuy nhiên, cô gái này lại cho rằng, đam mê đang bị đánh giá hơi cao, nhưng thật sự không phải vậy. Mỗi người nên nghĩ 3 câu hỏi: Mình thích gì? Mình làm tốt cái gì? Điều gì giúp mình sẵn sàng chịu cực khổ để đạt được?
Vậy tầm quan trọng của nguồn cảm hứng thì sao? Cảm hứng để bắt đầu cũng có nhiều loại; có người muốn hoạt động vì cộng đồng, vì gia đình,… Nhưng với Hương, cảm hứng đơn giản chỉ là muốn mình tốt hơn hôm qua, phát triển bản thân mình. "Tôi thấy, mình chưa từng được định hướng bản thân mình giỏi nhất điều gì, thay vào đó xã hội chỉ quan tâm mình muốn vào trường nào. Việc đặt ra câu hỏi, mình mạnh điều gì, mình thích làm gì, tư duy đường dài của mình ra sao là cần thiết, vì nếu mình không biết bản thân muốn gì thì không có động lực nào cả".
Sống trong một xã hội nặng về tư duy theo lối ra trường, tìm được công việc tốt, lập gia đình Hương cũng cho biết điều đó không sai, nhưng toàn xã hội đều như vậy để định nghĩa đó là hạnh phúc, là thành công, mà không đề cao tính cá nhân và khác biệt thì cũng là chưa chính xác. Có những người rất sáng tạo nhưng không phải sinh ra để kiếm tiền, có thể công việc của một người không mang lại giá trị về tài chính, nhưng không vì thế mà đánh giá họ không thành công. Nên với Hương, sống thì không theo định kiến xã hội, mà hãy làm điều tốt nhất mình có thể làm.
Suy nghĩ như thế nhưng khi bước vào khủng hoảng tuổi 25, kéo dài suốt 1 năm cô cũng từng bất mãn. Hương từng đặt câu hỏi tại sao không ai giống như mình, sao bạn bè vẫn vui vẻ bình thường, sáng ngủ dậy không biết mình là ai, mình làm gì, trong khi mình đã có những thứ mình từng mơ ước, tạm gọi là đầy đủ và không mong muốn gì hơn. Để rồi những câu hỏi rốt cuộc mình là ai, mình cần gì và muốn tạo ra cái gì đã khiến cô hành động. "Tôi nghĩ những câu hỏi đó là quá trình phát triển tư duy cần thiết trước khi mình quyết định thay đổi. Chưa kể cuộc sống ở Việt Nam dễ dàng quá, nhưng đó cũng là một cái bẫy. Nó cản trở khiến mình không học hỏi được nhiều. Cản trở nhận thức rốt cuộc mình muốn gì một cách từ từ và bào mòn mọi cá thể".
Khi một cá nhân bị tác động nhiều thứ: mạng lưới bạn bè, mạng lưới xã hội, thử thay đổi mọi cách, môi trường sống, nhưng vẫn chưa tìm thấy điều mình muốn, Hương quyết định đi New York. "Tôi thực sự đã nhận thấy, vật chất hay những cái dễ chịu, an toàn không có ý nghĩa với mình lắm".
New York là nơi tập trung mọi start-up, tất cả những người giỏi nhất ở đó, những công ty lớn ở đó. Đó là thành phố không ai ở nhà, trước khi ra khỏi nhà phải có một list nay mình làm gì, gặp gỡ ai, tất cả mọi thứ quá nhanh. Nhanh đến độ chỉ những người giỏi nhất mới ở được, mọi chi phí khá đắt đỏ, nếu bạn không giỏi, không nhạy bén, bạn sẽ bị đào thải rất nhanh.
Mặc dù hối hả và khó khăn như vậy nhưng Hương lại thấy tốt, vì lúc nào cô cũng cảm thấy mình phải phát triển, gặp gỡ người mới, sự kiện mới, ý tưởng mới; từ công nghệ đến nghệ thuật.. Và trong môi trường đó, cô phải học hỏi nhanh hơn, luôn trong chế độ bơi hay là chết. Nhưng tôi lại hạnh phúc - Hương hào hứng chia sẻ.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Trước trào lưu xây dựng hình ảnh bề ngoài ngày càng mạnh mẽ, nếu không muốn nói là quá chuyên nghiệp, tuy nhiên, vẫn đâu đó chỉ là sự phát triển về bề ngoài, còn bên trong nhiều khi lại ẩn giấu sự rỗng tuếch, Hương không ngại bày tỏ. Với Hương, cô cho rằng, phụ nữ đẹp nhất là khi họ tự tin vào nội lực, năng lượng toả sáng sẽ làm nên vẻ đẹp hoàn thiện nhất.
Không phải vì còn trẻ, lại có tư duy Mỹ học mà Hương nói như vậy, đối diện với cô người ta dễ dàng có được thứ năng lượng tươi mới và quyết đoán, nó đến từ thần thái nội tại như cô chia sẻ và khẳng định chứ không chỉ đơn giản là lời hoa mỹ để đẹp lòng. Sống ở xứ sở của bình quyền, nhưng Hương cũng nhận thức rất rõ về sự bình đẳng, và tầm quan trọng cũng như tiếng nói của phụ nữ trước đời sống của chính mình, rồi rộng hơn là các vấn đề xã hội.
“Sự quan tâm của phụ nữ hiện đại đã mở rộng ra nhiều hơn, họ không ngần ngại trong chuyện kiếm tiền hay kết giao. Ngày xưa họ chỉ quan tâm đến hai ba vấn đề thôi, giờ họ quan tâm đến giải trí, nền kinh tế ra sao, đến chuyện ăn mặc, gu thẩm mỹ. Những điều này khiến bản thân người phụ nữ năng động và thú vị hơn, làm được nhiều việc hơn".
“Tôi có hai em gái, chúng không hẳn là đẹp theo một tiêu chuẩn xã hội nào cả, nhưng năng lượng và cách nhìn nhận về cuộc sống cũng như mọi người của chúng nó rất đẹp. Nên tôi thấy, khi tâm bạn đẹp thì sức hút của minh sẽ khác. Đôi khi truyền thông không lăng xê được vẻ đẹp kiểu này, chúng ta đang quá chú trọng đến vẻ ngoài, tạo nên một tiền lệ xấu, cứ phải đẹp mới hạnh phúc, cuộc đời mới suôn sẻ. Mà thực tế lại là nếu biết tôn lên nét đẹp cá nhân cộng với thái độ đẹp thì đó mới là vẻ đẹp toàn diện.
Có những người phụ nữ cuộc sống rất khó khăn, nhưng gặp họ lại rất lạc quan vui vẻ. Còn cũng có những người hay phàn nàn mà quên mất ai cũng có cuộc đấu tranh của chính mình. Đừng phàn nàn mà hãy tìm cách chuyển sự nhìn nhận của mình sang một góc độ khác. Vì bạn thích so sánh nên mới hay phàn nàn. Thực tế là không có một quy chuẩn nào để so sánh ai đẹp hơn, ai thành công hơn. Không phải giàu hơn, nổi tiếng hơn sẽ sướng hơn, quan trọng là thái độ của mình với mọi chuyện, thái độ không đẹp thì dù bạn có đẹp cỡ mấy vẫn là không đẹp, và mọi sự so sánh đều rất khập khiễng.
"Những người phụ nữ quanh tôi, tôi thấy họ đẹp. Họ không đẹp theo tiêu chuẩn hoa hậu, nhưng họ có nghị lực phi thường, họ cảm thông và chan hòa với mọi người. Những người đẹp với tôi lại là những người bình thường, nhưng truyền được nhiều cảm hứng tốt đẹp".
Sự bình đẳng cũng không phải gào thét lên các vấn đề đao to búa lớn, Hương phục những người giỏi, phụ nữ và đàn ông nên có sự nể trọng nhất định dành cho nhau. Tất nhiên, một người đàn ông để phụ nữ nể phục thì phải giỏi hơn, có cái nhìn sâu rộng hơn, mà vẫn không làm mất đi sự tử tế, galang cần có.
Đó chính là sự khác biệt giữa phụ nữ và đàn ông mà không nên gán ghép cho nó bất cứ khái niệm nào liên quan đến bình đẳng. “Tôi tin vào cá nhân. Cá nhân ai cũng có quyền được nhìn nhận đúng với năng lực, với khả năng của họ, bất kể giới tính gì hay màu da ra sao. Đặt cá nhân vào những môi trường phù hợp để họ tự phát huy bản lĩnh của mình mới là cách đánh giá đúng đắn.
Ai cũng có một gia đình lớn, nơi nuôi dưỡng và chắp cánh cho mình phát triển. Trần Mai Hương cũng vậy, cô có gia đình, có hai em gái rất thân thiết bầu bạn, và họ là động lực cũng như niềm vui của Hương mỗi ngày.
Chia sẻ về gia đình Hương khá kiệm lời, cô chỉ tiết lộ nhỏ, rằng gia đình không có rào cản hay ép buộc gì với bản thân, cho dù mẹ là người Việt Nam truyền thống, có những giá trị kết nối gia đình nhất định, và rõ ràng. “Chưa bao giờ mẹ phàn nàn tại sao tôi không lấy chồng, tại sao đến tuổi này còn đi linh tinh, tại sao không ổn định. Tôi thấy, gia đình là chỗ dựa rất lớn, định hình tư duy cuộc đời mình, chứ không mang đến cho mình áp lực" - Hương nói trong tự hào và tràn đầy thương yêu.
Song mỗi gia đình lại có các giá trị và mong muốn khác nhau, nên quan trọng là các bạn trẻ phải làm cho gia đình mình yên tâm. Hương quan niệm, mình không nhất định phải là ai, mình phải như thế nào, đó không phải thước đo. Tư duy mới là thước đo. 30 tuổi mình phải biết mình là ai.
Khi tôi hỏi dồn, vậy những người chỉ thấy thoải mái, tự tin khi có nhiều tiền, hay có nhiều người phải là vẻ ngoài đẹp đẽ, rồi đường đời đầy kinh nghiệm… thì sao. "Không sao cả, nhưng với tôi tự tin biết tôi là ai, giỏi điều gì, chưa tốt điều gì, có thể mình không đẹp bằng, không kinh nghiệm bằng, nhưng tự tin biết rõ mình mới là quan trọng nhất" - Hương khẳng khái khẳng định.
Bài viết: | Team nội dung |
Photo: | Trường Sơn |
Thiết kế: | Thăng Long |